Trước bức xúc của doanh nghiệp vận tải Đà Nẵng về sự bất hợp lý của Trạm thu phí (TTP) Bắc Hải Vân, Báo Đà Nẵng đã phản ánh tình trạng này; tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện.
 
 
Một ngày trước thời điểm TTP Bắc Hải Vân chính thức vận hành, chúng tôi được ông Phạm Công Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia, cho biết tổng vốn đầu tư hầm đường bộ Phú Gia và Phước Tượng là 1.740 tỷ đồng. 85% số tiền này là vay của ngân hàng nên “khó có thể bảo đảm công bằng trong thu phí!”.
 
Ngày 11-9, một tháng sau khi TTP Bắc Hải Vân vận hành, chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Phạm Công Hưng, đề cập bức xúc của người dân, du khách và doanh nghiệp vận tải (cả hành khách lẫn hàng hóa) từ Đà Nẵng ra Lăng Cô về sự bất cập của TTP này. Ông Hưng cho biết, TTP theo hợp đồng BOT Bắc Hải Vân nằm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế nên chỉ có thể “xem xét” miễn phí đối với dân cư thị trấn Lăng Cô của huyện Phú Lộc (khi họ qua trạm vào Đà Nẵng), không thể “miễn phí” qua trạm đối với người dân Đà Nẵng.
 
Hiện đã có 200 hộ dân ở Lăng Cô được miễn phí ô-tô qua trạm để vào Đà Nẵng. Ông Hưng cũng cho rằng việc tham vấn các địa phương (trong đó có Đà Nẵng) về đặt TTP  là do Bộ Giao thông vận tải thực hiện. Thời gian thu phí hoàn vốn của TTP Bắc Hải Vân được ông Phạm Công Hưng nói rằng còn đợi quyết toán từ Bộ Giao thông vận tải, quyết toán xong mới ấn định chính xác thời gian thu phí.
 
Tuy nhiên, theo tính toán của ông Hưng, TTP Bắc Hải Vân sẽ thu phí trong thời gian từ 11 đến 12 năm. Dù rất nhiều phương tiện tham gia lưu thông trên quốc lộ 1A qua Đà Nẵng từ chối không qua TTP này bằng cách đi qua đoạn đường đèo dài hơn 25km nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút buổi trưa ngày 23-8 (10 ngày sau khi TTP Bắc Hải Vân chính thức vận hành), camera của chúng tôi ghi nhận có đến vài chục phương tiện gồm xe tải, xe khách các loại và ô-tô dưới 12 chỗ lưu thông qua TTP này.
 
Về khoảng cách, các TTP trên chiều dài quốc lộ 1A từ Đà Nẵng đến TP. Huế chỉ cách nhau vài chục km. TTP Bắc Hải Vân đặt tại vị trí Km 892 + 322 quốc lộ 1A, trong  khi  TTP Phú Bài cũng trên quốc lộ 1A ở phía bắc đặt tại vị trí Km 843 + 936. Làm phép tính trừ đơn giản sẽ thấy 2 TTP này chỉ cách nhau trên dưới... 49km.
 
Tương tự, TTP do Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 545 làm chủ đầu tư (thu phí cho tuyến đường tránh Vĩnh Điện, của thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam)  đặt tại Km 943 + 975 quốc lộ 1A cửa ngõ phía nam TP. Đà Nẵng, chỉ cách TTP Bắc Hải Vân 51km. TTP này trước đây được đặt tại vị trí giữa Km 941 và 942 thuộc địa bàn xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) nên có tên gọi là TTP Hòa Phước.
 
Cách đây 2 năm, TTP phía nam Đà Nẵng đã bị các lái xe đường dài và cả người dân địa phương khu vực giáp ranh Đà Nẵng và Quảng Nam phản ứng gay gắt vì chủ đầu tư “xin” lùi TTP vào phía nam, đặt tại vị trí Km 943 + 975 thuộc địa phận thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
 
Mục đích dời trạm được người dân khẳng định, nhằm mục đích thu phí của tất cả các phương tiện ô-tô từ Đà Nẵng, Điện Bàn lưu thông qua tuyến đường Tứ Câu về phía đông và ngược lại. “Chúng tôi không sử dụng sản phẩm của nhà đầu tư, không đi qua các đoạn đường, đoạn đèo và hầm đường bộ do chủ đầu tư làm nên không thể buộc chúng tôi phải bỏ tiền mua phí”, hầu hết các lái xe ô-tô khi được hỏi đều trả lời như thế.
 
Không thể quy kết việc người điều khiển ô-tô chấp nhận lưu thông trên con đường đèo Hải Vân hiểm trở, dài gấp gần 5 lần qua hầm đường bộ Hải Vân là “né TTP” bởi họ không chấp nhận sự bất hợp lý trong cách đặt TTP ngay trước cửa ngôi nhà của chính mình!
 
 
Theo Dương Thanh Tùng
(Báo Đà Nẵng )
.