Theo nhận định của các cơ quan chức năng, trong những tháng cuối năm, khi lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng sẽ là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Vì vậy, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), hạn chế đến mức thấp nhất TNGT xảy ra trên địa bàn.
Việc siết chặt quản lý kinh doanh vận tải là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần bảo đảm TTATGT từ đầu năm đến nay. Cụ thể là, sau mỗi vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe ôtô khách, lực lượng chức năng của tỉnh đã nhanh chóng tiến hành điều tra nguyên nhân và chỉ đạo rõ ràng. Chẳng hạn như sau vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra chiều 1-10-2014, tại Km 610, Quốc lộ 14 (đoạn qua thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) cướp đi sinh mạng của 2 người và làm 12 người khác bị thương, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Công điện tới Trưởng Ban ATGT tỉnh Dak Lak; Bộ Công an; Bộ GTVT; Bộ Y tế yêu cầu khắc phục hậu quả vụ TNGT; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với người điều khiển xe ô tô khách BKS 47B-00488; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ GTVT nghiên cứu, siết chặt hoạt động xe khách... Các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc, xử lý kịp thời.
Song song với việc đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật GTĐB, thời gian qua, ngành chức năng còn chú trọng tổ chức các buổi tuyên truyền và phát động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT; tiến hành vá ổ gà, láng nhựa mặt đường, phát quang, đào vét rãnh, bổ sung biển báo... Ngoài ra, Phòng CSGT - Công an tỉnh còn cử các nữ CSGT duy trì việc hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông tại ngã tư phức tạp về TTATGT vào giờ cao điểm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột...
Kiên trì các giải pháp đồng bộ, quyết liệt
Mặc dù TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ song theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì tình trạng vi phạm Luật GTĐB vẫn diễn ra tại các tuyến đường, đặc biệt là khu vực nông thôn và các tụ điểm khi không có lực lượng chức năng tuần tra xử lý. Qua phân tích, nguyên nhân các vụ TNGT vẫn tập trung các lỗi như: tình trạng điều khiển mô tô, xe máy chạy quá tốc độ, chạy sai làn đường; chở người vượt quá quy định; thiếu chú ý quan sát khi qua đường, sử dụng rượu, bia quá nồng độ nhưng vẫn điều khiển phương tiện; không có GPLX… Bên cạnh đó, do lực lượng mỏng nên công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng có lúc chưa tập trung vào thời gian cao điểm, nhất là ban đêm và địa bàn nông thôn. Trong khi đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông nhất là lứa tuổi thanh niên chưa cao. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 109.973 trường hợp vi phạm Luật GTĐB; tước Giấy phép lái xe có thời hạn 7.763 trường hợp; tạm giữ 16.563 phương tiện giao thông các loại; thu nộp Kho bạc Nhà nước gần 50 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan khác là số lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến, trong khi kết cấu hạ tầng dù đã được đầu tư xây dựng, mở rộng song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.070.695 phương tiện giao thông các loại, trong đó 32. 531 ôtô, 969.169 môtô và 68.995 máy cày tay, máy kéo nhỏ.
Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết: “Càng về những tháng cuối năm thì tình hình TTATGT thường nóng và phức tạp hơn; yêu cầu công tác bảo đảm TTATGT, kiểm soát giao thông khó khăn, vất vả hơn là do lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên một số tuyến đường tăng đột biến. Đặc biệt, trong thời gian tháng 11, 12 là thời điểm nông dân trên địa bàn tỉnh bước vào vụ thu hái cà phê, lưu lượng phương tiện là máy cày tay tham gia giao thông sẽ gia tăng, kèm theo đó là những nguy cơ xảy ra TNGT cao. Vì vậy, trong những tháng cuối năm, lực lượng chức năng sẽ huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT, trong đó, tập trung xử lý các vi phạm như: chạy quá tốc độ quy định, đi sai làn đường, phần đường, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, sử dụng phương tiện không bảo đảm kỹ thuật để chở khách… Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, tập trung vào các tuyến đường liên thôn, liên xã; khắc phục kịp thời các hư hỏng, phân luồng giao thông hợp lý; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; xóa các “điểm đen” về TNGT trên các tuyến đường…”.
Hy vọng với những nỗ lực, quyết tâm cao cùng với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên của lực lượng chức năng, tình hình TTATGT tháng cuối năm sẽ có chuyển biến tích cực, hạn chế thấp nhất TNGT trên địa bàn tỉnh.
Theo Báo Đaklak
ss