Để có vốn đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành và đầu tư hạ tầng hàng không, Bộ GTVT chỉ đạo bán 100% vốn Nhà nước tại sân bay Phú Quốc, nhượng lại sảnh E và xem xét bán nhà ga T1 sân bay Nội Bài có thời hạn cho Vietjet Air…
 
 
Đồng thời, người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thí điểm bán dứt điểm quyền khai thác sảnh E sân bay quốc tế Nội Bài cho hãng hàng không Vietjet Air.
 
Đối với đề xuất mua lại toàn quyền khai thác sảnh T1 sân bay Quốc tế Nội Bài của Công ty CP Hàng không Vietjet, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo cần xem xét bán có thời hạn 20 năm, hoặc 50 năm. Ngoài ra, nghiên cứu bán một phần sân bay Đà Nẵng ở khu vực cũ cho hãng hàng không giá rẻ để lấy vốn đầu tư nhà ga quốc tế.
 
Trước đó, Công ty CP Hàng không Vietjet đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được Bộ nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga hành khách T1 cùng với nhà ga cũ T2 là 2 nhà ga của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm.
 
Liên quan đến đề xuất của Vietjet, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng - Trưởng ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư cho rằng: Nếu nhượng quyền khai thác nhà ga T1 thì cần đưa vào thí điểm. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế chung để nhượng quyền kết cấu hạ tầng hàng không khác.
 
Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết, đề xuất của Công ty CP Hàng không Vietjet đang được Bộ GTVT xem xét và lấy ý kiến các cơ quan trong Bộ.
 
Bán để lấy tiền xây sân bay quốc tế Long Thành
 
Cùng với việc yêu cầu ACV phải bán được Cảng hàng không (CHK) Phú Quốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu ngay trong tháng 4/2015, ACV phải trình Bộ phương án cổ phần hóa để lấy vốn tập trung làm CHK quốc tế Long Thành.
 
Người đứng đầu ngành giao thông nói rõ, cần phải huy động được nguồn lực để xây dựng CHK quốc tế Long Thành ngang tầm thế giới.
 
Nếu CHK Long Thành được Quốc hội thông qua có thể tính đến việc sử dụng 100% vốn của doanh nghiệp, không cần vốn Nhà nước. Vốn ở đây được lấy từ cổ phần hóa của ACV và tiền bán sân bay Phú Quốc, phát hành thêm trái phiếu mà không cần sự bảo lãnh của Nhà nước.
 
“Mục tiêu của xã hội hóa đầu tư vào hàng không là xây dựng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Chúng ta không thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy bay hiện đại như A380, Boeing 787 mà lại không có các CHK đủ khả năng tiếp nhận. Chúng ta không thể xây dựng được những hãng hàng không tiêu chuẩn bốn sao trong khi cơ sở hạ tầng lại chỉ hai sao, ba sao”, Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.
 
Báo cáo Uỷ ban Thường vụ QH về dự án sân bay quốc tế Long Thành sáng nay (26/2), Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, vốn đầu tư sân bay này sẽ giảm khoảng 2,9 tỷ USD, từ 18,7 tỉ USD xuống còn 15,8 tỉ USD.
 
Con số giảm là do rà soát và tính toán chi tiết hơn, điều chỉnh giảm quy mô, phạm vi giải phóng mặt bằng và tái định cư, giảm các hạng mục do chỉ đầu tư một đường hạ cất cánh trong giai đoạn I, không đưa vào dự án các hạng mục triển khai theo phương án xã hội hóa...
 
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng giao ACV và Cục Hàng không VN nghiên cứu xây dựng sân bay ở khu vực Tây Bắc, đặt tại Lai Châu hoặc Sơn La, do mật độ sân bay tại vùng này còn mỏng so với phía Nam.
 
Theo Vietnamnet
.