(BVPL) - Vừa qua, C.T Group đã công bố đầu tư 200 triệu USD để xây dựng khu phức hợp tổ hợp dịch vụ hàng không mang tên Tàu vũ trụ số 1 - SS1 trên diện tích đất 8 ha ở đường Trường Chinh, phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất nhằm góp phần giảm áp lực cho sân bay một cách nhanh chóng.

 

 

Nguồn vốn và tính khả thi của dự án

 

Để hoàn thiện con “tàu vũ trụ” SS1 này, C.T Group dự kiến cần nguồn vốn lên tới 200 triệu USD (hơn 4.500 tỷ đồng). Công bố đến thời điểm này cho thấy, để tài trợ cho dự án, C.T Group đã ký kết với Quỹ đầu tư Real Capital của Nhật Bản tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam” diễn ra ở Tokyo ngày 5/6/2017.

 

Như vậy, nhiều khả năng dự án sẽ sử dụng hoàn toàn vốn ngoại nên nhiều người lo lắng muốn biết rõ về hình thức tài trợ này. Liệu quỹ Real Capital sẽ kiểm soát quyền sở hữu dự án, hay SS1 dùng nguồn vốn vay và tiến độ giải ngân phụ thuộc phía Nhật Bản?

 

Thêm vào đó, C.T Group cho biết “đã có văn bản xin được đặt quầy thủ tục checkin trong SS1 và có tuyến xe buýt chạy đường nội bộ để đưa hành khách vào trong sân bay”. Tức đến thời điểm này, SS1 chưa có liên quan nào với Tân Sơn Nhất và vẫn còn chờ xem xét tính khả thi của việc kết nối.

 

Bỏ qua các câu hỏi về nguồn vốn, dưới cái nhìn tổng thể, giải pháp mà C.T Group đưa ra rõ ràng có giá trị cao khi kết nối được tuyến Metro để làm ngõ ra mới cho Tân Sơn Nhất. Hơn nữa, với kế hoạch chỉ cần 18 tháng là hoàn thành dự án, SS1 thực sự khiến nhiều người kỳ vọng.

 

Vì vậy, đảm bảo hiệu quả xã hội cho kế hoạch chống tắc nghẽn giao thông, SS1 cần có thêm nhiều nhà đầu tư trong nước cùng tham gia dự án, nhận nhiều sự hỗ trợ của các cấp quản lý. Mặt khác, khu vực phía Tây Tân Sơn Nhất cũng cần có quy hoạch tổng thể để phát triển đồng bộ, đảm bảo hiệu quả cho việc kết nối và giải tỏa được áp lực giao thông trong khu vực.

 

Tường Châu