Vụ án này do bị can Trần Đức Trung, nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam cầm đầu cùng đồng phạm lừa đảo tài sản của 1092 người nghèo chiếm đoạt gần 43 tỉ đồng.
Trước đó, ngày 22/11/2019, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo theo cáo trạng truy tố của VKSND tối cao. Tuy nhiên, tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung; dẫn tới Cơ quan ANĐT - Bộ Công an phải điều tra và ra Kết luận điều tra bổ sung để làm sáng tỏ thêm tính khách quan của vụ án.
Theo Kết luận điều tra bổ sung, Trung và các đồng phạm đã lợi dụng danh nghĩa chương trình "Trái tim Việt Nam". Sau khi làm rõ yêu cầu lấy lời khai đối với 496 bị hại theo đề nghị của TAND TP Hà Nội và tiến hành rà soát, bổ sung thông tin hơn 1000 người trong danh sách bị hại ở giai đoạn điều tra trước đây, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã xác định số lượng bị hại không ảnh hưởng đến bản chất vụ án và không ảnh hưởng đến việc xác định số tiền các bị can đã chiếm đoạt.
Theo đó, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an vẫn giữ nguyên quan điểm chuyển kết luận điều tra bổ sung cùng hồ sơ vụ án đến VKSND tối cao để đề nghị truy tố 6 bị can, gồm: Trần Đức Trung, Lê Thị Hằng, Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực, Nhâm Sỹ Phúc, Phan Thị Thoa theo tội danh và điều luật đã viện dẫn tại kết luận điều tra vụ án số 13/ANĐT-P6 ngày 26/7/2018 của Cơ quan ANĐT, Bộ Công an.
Như đã đưa tin, Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn ra quyết định thành lập từ năm 2013, bổ nhiệm Trần Đức Trung là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Lê Thị Hằng làm Tổng Giám đốc.
Năm 2015, Bùi Thị Oanh, Phạm Văn Lực và Nhâm Sỹ Phúc đang điều hành "Câu lạc bộ triệu phú tích lũy làm giàu", hoạt động theo mô hình đa cấp nhưng chưa được phép. Vì vậy, Trung quyết định sáp nhập Câu lạc bộ trên vào Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới.
Bằng những chiêu trò hút người tham gia như đóng 1,2 triệu để trở thành thành viên, từ mã thứ 2 chỉ phải đóng 700 ngàn đồng và được Trung tâm hứa hẹn hỗ trợ từ 5,2 triệu đồng đến 5,7 triệu đồng (tương đương với mức lợi nhuận từ 475% đến 814%). Sau khi đóng tiền, người tham gia được nhận một sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc phân vi sinh trị giá khoảng 150 ngàn đồng thì người giới thiệu được hưởng 500 ngàn đồng...
Thực chất, để có được nguồn tài chính chi trả, các đối tượng sẽ lấy của người tham gia sau trả cho người tham gia trước và mua sản phẩm hỗ trợ, số tiền còn lại Trung và các đồng phạm sử dụng vào mục đích cá nhân, chiếm đoạt tiền của người tham gia chương trình.
Theo kết luận của cơ quan ANĐT, các bị can đã lừa đảo chiếm đoạt của hơn 1 nghìn bị hại tại Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới và hàng chục tỉnh, thành phố đã diễn ra từ năm 2015 với số tiền chiếm đoạt gần 43 tỷ đồng chia nhau.