Lãnh đạo Công ty con vướng lao lý
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ năm 2011 đến 2015, do làm ăn thua lỗ nên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống các hợp đồng mua bán lương thực, nâng khống hàng tồn kho nhằm che giấu số tiền thâm hụt trên 659 tỉ đồng. Với các sai phạm nêu trên, được sự phê chuẩn của cơ quan Viện kiểm sát cùng cấp, ngày 28/11/2017, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Văn Tâm (42 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh), ông Nguyễn Tấn Vinh (38 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán), Phan Văn Hiệp (54 tuổi, nguyên Giám đốc Xí nghiệp chế biến lương thực Cầu Kè) và Võ Văn Sen (51 tuổi, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đại Phúc) để điều tra về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty lương thực Trà Vinh, ngày 30/12/2017, cơ quan Công an tiếp tục bắt tạm giam ông Lê Hoàng Minh (59 tuổi, nguyên giám đốc Xí nghiệp Chế biến lương thực Càng Long) và ông Nguyễn Nhất Thống (43 tuổi, nguyên trưởng phân xưởng chế biến lương thực Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Công ty lương thực Trà Vinh tiền thân là Công ty XNK và LT tỉnh Trà Vinh được sáp nhập vào Vinafood 2 từ cuối năm 1995. Công ty có trụ sở tại đường Trần Phú, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh với ngành nghề kinh doanh chính là buôn bán lúa gạo. Theo điều tra ban đầu, hồi tháng 10/2017, Vinafood 2 phối hợp với Công ty kiểm toán AASC kiểm tra tại các xí nghiệp, phân xưởng thuộc Công ty lương thực Trà Vinh. Cơ quan chức năng phát hiện tổng số lượng gạo và phụ phẩm khác theo báo cáo trên sổ sách thiếu hụt so với thực tế dự trữ tại các kho hơn 82.000 tấn, tương đương 659 tỷ đồng. Bước đầu, ông Tâm thừa nhận do cuối năm 2011, công ty làm ăn thua lỗ nên chỉ đạo cấp dưới lập khống hợp đồng mua bán lúa gạo và phụ phẩm để nâng khống hàng tồn kho của công ty nhằm che giấu số tiền bị thâm hụt. Qua làm việc, ông Tâm đã thừa nhận hành vi sai phạm dẫn đến công ty bị thâm hụt số tiền lớn, mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước. Hiện, C46 - Bộ Công an đang phối hợp chặt chẽ với Vụ 3- VKSND tối cao tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
|
|
Ông Trần Văn Tâm (áo trắng đứng)- Giám đốc Công ty lương thực Trà Vinh bị cơ quan Công an bắt giữ. |
Công ty mẹ “ngồi trên đống nợ”
Kết luận tra của Thanh tra Bộ NN&PTNT chỉ rõ: từ năm 2014 đến 2017, Vinafood 2 đã bán tài sản trên đất, đồng thời chuyển quyền sử dụng đất ở tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh sai quy định với tổng giá trị tài sản đã bán hơn 114 tỉ đồng. Hơn nữa, Vinafood 2 đã tự tính số tiền chuyển nhượng sau khi trừ các chi phí, số còn lại tạm nộp vào tài khoản của Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cũng sai.
Cũng theo kết luận thanh tra, đối với dự án khách sạn cao cấp, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại cho thuê (tại số 34, 36, 42 đường Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), Tổng Giám đốc Vinafood 2 đã thỏa thuận, thống nhất với Công ty TNHH Thương mại Quảng cáo Xây dựng địa ốc Việt Hân về đền bù giải phóng mặt bằng đối với 34 hộ dân đang ở trên khu đất thực hiện dự án là sai với nội dung nghị quyết của Hội đồng thành viên Vinafood 2. Thỏa thuận giữa Công ty Việt Hân và Vinafood 2 là trái với văn bản của Bộ NN&PTNT và trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện phương án sắp xếp lại cơ sở nhà đất tại 33 Nguyễn Du, 34, 36 và 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Theo đó, số tiền chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng (dự kiến của hai bên) là 68 tỉ đồng lấy từ tài khoản Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Như vậy, nếu thực hiện theo đúng thỏa thuận trên thì ngân sách nhà nước bị thất thoát 80%, tương đương với trên 54 tỉ đồng.
Theo Báo cáo đánh giá tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016 gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch đầu tư mới đây, Vinafood 2 đã “xin” cơ chế xử lý nợ phải thu khó đòi tại hàng loạt công ty con.
Cụ thể Vinafood 2 xin cơ chế đặc thù về xử lý nợ phải thu khó đòi tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH Một thành viên Hoà Tân Lộc, Công ty TNHH Đầu tư Bình Lợi, CTCP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum và CTCP Lương thực Hậu Giang.
Bên cạnh đó, xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý (đối với tài sản mới đầu tư và đưa vào sử dụng dưới 5 năm hoặc có giá trị còn lại theo sổ sách kế toán dưới 50% nguyên giá tài sản).
Hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 và các công ty con trong những năm qua ghi nhận sự thua lỗ lớn lên đến hàng nghìn tỷ. Cụ thể, tại báo cáo giám sát tài chính cuối năm 2015, Vinafood 2 cho biết đã lỗ luỹ kế 948 tỷ đồng, chưa kể số nợ tồn đọng phải thu là 653 tỷ đồng.
Tại báo cáo này, Vinafood 2 cũng thừa nhận, dù đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, khởi kiện ra toà án và phối hợp với cơ quan thi hành án, cơ quan điều tra xử lý thu hồi nợ nhưng kết quả đạt được rất hạn chế.
Trước đó, tại báo cáo giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động năm 2014 gửi Bộ NN&PTNT, Vinafood 2 cho biết đang đầu tư 28 công ty con, trong đó bao gồm 3 công ty TNHH Một thành viên, 12 công ty góp vốn chi phối, 13 công ty liên kết. Với các bê bối trong kinh doanh nêu trên, Vinafood 2 bị cho là một trong những doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả và tiên lượng sẽ gặp rất nhiều khó khăn thời gian tới.
Hữu Bắc