Viện Kiểm sát nhân dân huyện Trảng Bom vừa ra cáo trạng, chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân cùng cấp để truy tố bị cáo Bùi Văn Tốt (42 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Làm chủ tiệm phô tô tại ấp Thanh Hóa (xã Bắc Sơn), Tốt nắm bắt được nhu cầu của công nhân nên nảy sinh ý định làm giả bằng cấp, hồ sơ xin việc có đầy đủ xác nhận, công chứng, chứng thực của cơ quan chức năng để bán cho người đi xin việc, như: các loại bằng cấp, giấy khám sức khỏe, sơ yếu lý lịch, giấy khai sinh, đơn xin việc, bản phô tô có chứng thực của địa phương, giấy chứng nhận đã học luật lao động, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… Trong đó, một bộ hồ sơ xin việc giả Tốt bán với giá 180 ngàn đồng, còn bằng cấp giả giá 1,5 triệu đồng/cái.
Để làm giả các dấu mộc của UBND các xã, phường, thị trấn và mẫu giấy chứng nhận đã học Bộ luật Lao động, Tốt sử dụng máy scan hình dấu tròn từ những người đến phô tô các loại giấy tờ trước đó và lưu lại. Khi có người cần làm hồ sơ giả để xin việc làm, Tốt lấy thông tin của họ và những tờ giấy đã scan mộc dấu trước đó cắt lấy hình dấu tròn dán lên các loại giấy tờ cần làm giả và đưa vào máy scan ra, điền đầy đủ thông tin của người mua vào.
Đối với dấu chứng thực, Tốt tạo trên máy vi tính và dùng máy in để in màu đỏ lên. Phần tên của chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã (phường, thị trấn), Tốt mua dấu khắc sẵn của một người không rõ lai lịch và dùng nó để đóng lên tất cả các loại giấy tờ.
Sau khi đã làm hoàn chỉnh các hình dấu tròn, hình sao y bản chính và mộc tên chức danh của chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã (phường, thị trấn) phù hợp với địa chỉ thường trú ghi trên chứng minh nhân dân của người cần mua hồ sơ, Tốt điền đầy đủ thông tin của người mua vào cho phù hợp để tạo thành những bộ hồ sơ xin việc giả.
Sa lưới pháp luật
Ngoài hồ sơ xin việc giả, Tốt còn móc nối với nhiều “cò” để làm giả các loại giấy khám sức khỏe, các loại bằng cấp.
Đối với giấy chứng nhận sức khỏe khống chỉ giả có chữ ký của các bác sĩ, mộc dấu khống chỉ của bệnh viện, Tốt mua của một người không rõ lai lịch với giá 20 ngàn đồng/tờ. Khi bán, Tốt điền thông tin của người mua và dán hình ảnh của người đó vào, dùng bút bi đỏ vẽ phần dấu tròn còn thiếu lên hình (dấu giáp lai). Mỗi giấy chứng nhận sức khỏe giả, Tốt bán với giá từ 35-50 ngàn đồng.
Đối với bằng tốt nghiệp khống chỉ giả các loại, Tốt mua của một người không rõ lai lịch với giá 1 triệu đồng/bằng, có sẵn chữ ký của giám đốc và mộc dấu khống chỉ của Sở GD-ĐT. Khi bán cho người có nhu cầu, Tốt điền thông tin của họ vào và in vào phôi bằng khống chỉ thành tấm bằng tốt nghiệp để đem bán với giá 1,5 triệu đồng/bằng.
Để làm giả phần sao y bản chính của Phòng Tư pháp huyện, Tốt lấy một bản thật đem phô tô mờ và đưa đến Phòng Tư pháp huyện công chứng, chứng thực sao y bản chính. Tiếp theo, Tốt lấy giấy nhám chà hết nội dung (phần phô tô mờ), chỉ để lại phần chứng thực sao y bản chính của Phòng Tư pháp, hình dấu tròn, chữ ký… Sau đó, Tốt lấy các loại giấy tờ cần công chứng phô tô đè lên để được bản phô tô có công chứng, chứng thực sao y bản chính.
Ngày 24-6, khi Tốt đang bán hồ sơ xin việc và bằng tốt nghiệp THPT giả cho các anh N.H.T., N.V.D. thì bị Công an huyện Trảng Bom bắt quả tang, thu giữ tang vật gồm: các bằng cấp, hồ sơ giả, máy vi tính, máy scan màu, máy phô tô, mẫu dấu tên và gần 7 triệu đồng…
Theo kết quả điều tra, Tốt đã làm giả 3 bằng tốt nghiệp các loại và nhiều bộ hồ sơ xin việc để đem bán, thu lợi bất chính hơn 8,5 triệu đồng.
Theo Báo Đồng Nai