Ngày 5/10, thông tin từ VKSND TP Hà Nội cho biết, liên quan đến vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), đơn vị vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thanh Giang (SN 1949), nguyên Tổng Giám đốc VEAM; phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Hồ Mạnh Tuấn (SN 1963), Phó Tổng giám đốc VEAM.

leftcenterrightdel
 Bị can Hồ Mạnh Tuấn và Nguyễn Thanh Giang.
Cả 2 bị can Nguyễn Thanh Giang và Hồ Mạnh Tuấn cùng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 22/7/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội làm rõ, trong các năm 2005 và 2011, Nguyễn Thanh Giang khi đó là Tổng giám đốc VEAM đã chỉ đạo Hồ Mạnh Tuấn, lúc đó là Trưởng phòng kỹ thuật VEAM, Chủ tịch HĐQT VEAM Korea giai đoạn 2003-2009 lập các báo cáo, tờ trình mua 305 bộ khuôn dập cabin xe ôtô SV110 không đúng quy định của pháp luật về việc đầu tư mua tài sản cố định của doanh nghiệp Nhà nước. Toàn bộ số tài sản trên sau khi được mua về do không có giá trị sử dụng, gây lãng phí số tiền của Nhà nước hơn 26,9 tỉ đồng.

Ngoài vụ án nêu trên, bị can Nguyễn Thanh Giang trước đó đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong một vụ án khác, liên quan đến những sai phạm trong quản lý, sử dụng khu đất diện tích 8.930,9 m2 tại địa chỉ đường Bình Thới, phường 14, quận 11, TP Hồ Chí Minh, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Tuy nhiên, do bị can Nguyễn Thanh Giang đang điều trị bệnh tiểu đường, suy thận nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước đó, liên quan đến sai phạm tại VEAM, cuối tháng 5/2022, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch VEAM) 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cùng tội danh trên, TAND TP Hà Nội cũng tuyên phạt Lâm Chí Quang (cựu Tổng Giám đốc VEAM) 8 năm tù; Ngô Văn Tuyển (cựu Phó Tổng Giám đốc, thành viên HĐQT VEAM) 5 năm tù; Vũ Từ Công (cựu Kế toán trưởng VEAM) 6 năm tù; Đào Quốc Việt (cựu Giám đốc Công ty cổ phần vận tải và thương mại VEAM – Vetranco) 13 năm tù; Trần Quang Tiến (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Nam) 16 năm tù.

10 bị cáo còn lại trong vụ án cũng bị tuyên phạt từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù giam.

Đến trung tuần tháng 6/2023), tiếp tục liên quan đến những sai tại VEAM gây thất thoát hơn 76 tỉ đồng, Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐTV VEAM) tiếp tục phải hầu tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cùng phải hầu tòa với cựu Chủ tịch HĐTV VEAM, cũng về tội danh trên có Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Nhà máy ôtô VEAM (VM) và Phạm Vũ Hải - Phó Tổng Giám đốc VEAM, Giám đốc VM.

Kết thúc phiên xét xử này, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Hà 3 năm tù; bị cáo Nguyễn Đức Toàn và Phạm Vũ Hải đều bị tuyên phạt 7 năm tù.

Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công thương (trong đó vốn nhà nước hơn 88%), với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và xuất khẩu trực tiếp các loại máy động lực, thiết bị máy móc phục vụ cho các ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

Nhật Minh