Thời gian qua trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện các đối tượng buôn lậu lợi dụng cơ chế thông thoáng về chính sách hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, cũng như xuất hiện doanh nghiệp “ma” đứng tên để làm thủ tục các lô hàng quá cảnh.

 


"Khi tra cứu tên doanh nghiệp trên hệ thống thông tin người nộp thuế vẫn đang hoạt động, nhưng khi đến nơi không có địa chỉ đó hoặc doanh nghiệp không hoạt động trên địa bàn này… Do đó, việc xác định chủ thể vi phạm là rất khó khăn khi doanh cố tình né tránh cơ quan hải quan," Phó Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Quốc Hùng cho biết.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 cho rằng: Cục Hải quan Thành phố đã chủ động có kế hoạch, giải pháp cụ thể và đã phát hiện trên 1.000 vụ vi phạm, trong đó số vụ khởi tố hình sự gấp đôi so với cả năm 2016.

Tuy nhiên, các vụ việc bị phát hiện mới chỉ dừng lại ở việc bắt vụ, khởi tố, còn việc điều tra, bắt giữ các đối tượng cần đầu, ổ nhóm buôn lậu còn hạn chế.

Để đấu tranh triệt phá các đường dây ổ nhóm buôn lậu tận gốc, ông Đàm Thanh Thế cho rằng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan với nhau, từ cơ quan phát hiện, đến cơ quan điều tra…

Mặt khác, nếu không triệt phá được các đối tượng thành lập doanh nghiệp “ma,” phát hiện chỗ này, các đối tượng lại tìm thủ đoạn khác để lợi dụng, tiếp tục buôn lậu.

Qua thực tế trên, Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh cần thống kê con số cụ thể, đồng thời đưa ra các vụ việc điển hình để có căn cứ làm việc, kiến nghị với cơ quan cấp phép có chấn chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.
 

Theo A.T/TTXVN/Vietnam+

.