Vừa "rung chuông" vừa mạnh tay trấn áp tội phạm mua bán người
Cập nhật lúc 23:23, Thứ ba, 12/04/2016 (GMT+7)
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người ở nước ta đang có xu hướng ngày càng phức tạp do việc tổ chức đường dây buôn bán ngày càng tinh vi và đa dạng, đối tượng tội phạm cũng manh động và nguy hiểm hơn. ( mua bán, tội phạm, rung chuông, trấn áp)
(BVPL) - Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người ở nước ta đang có xu hướng ngày càng phức tạp do việc tổ chức đường dây buôn bán ngày càng tinh vi và đa dạng, đối tượng tội phạm cũng manh động và nguy hiểm hơn.
Tuân chỉ là một trong hàng trăm những tên “cò”, vì đồng tiền đã bất chấp luân thường đạo lý. Lật lại hồ sơ những vụ án mua bán người xảy ra trong thời gian qua, có thể thấy các đối tượng hám tiền mong muốn làm giàu bằng con đường bất lương này phần lớn là những kẻ thích hưởng thụ, lười lao động. Chúng thường có khiếu ăn nói lưu loát, biết đánh vào tâm lý muốn thoát ra khỏi cuộc sống chân lấm, tay bùn và tính nhẹ dạ cả tin của các phụ nữ vùng nông thôn. Thủ đoạn của chúng như trên đã đề cập quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là vẽ ra những viễn cảnh tốt đẹp ở “miền đất hứa”, tìm người giúp việc, bán hàng thuê cho chính chúng hoặc người quen ở nước ngoài với những lời hứa đường mật là sẽ được ăn trắng, mặc trơn...
Vừa “rung chuông” vừa phải mạnh tay trấn áp
Điều đáng báo động là mặc dù các cơ quan chức năng tăng cường triển khai các biện pháp chống mua bán người nhưng hoạt động tội phạm này vẫn không giảm, trái lại, có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, hiện nay số địa phương mà nạn nhân bị bán qua biên giới không chỉ bó hẹp ở tuyến, điểm mang tính “truyền thống” như phía Bắc và Tây Nam mà đã được “mở rộng thị trường” đến khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ…
Tại sao lại tồn tại tình trạng đáng buồn này? Tại các hội thảo chuyên đề bàn về công tác phòng, chống mua bán người, nhiều ý kiến đã thẳng thắn thừa nhận rằng, thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành trong công tác phòng, chống mua bán người chưa được thực sự chú trọng, công tác phòng ngừa đạt hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, việc “rung chuông” cảnh tỉnh, tức là công tác truyền thông xã hội chưa “ăn nhịp” với các biện pháp trấn áp tội phạm. Các đợt cao điểm chống tội phạm buôn người chưa được mở thường xuyên, chưa có sự chung tay, góp sức của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn xã hội... Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, để tội phạm mua bán người - loài “ký sinh trùng” không bị “nhờn thuốc”, bên cạnh việc “lấp đầy” các “khoảng trống” trên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp làm chuyển biến cuộc sống của người dân ở những nơi đang là “điểm nóng” của nạn buôn người như vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ, các tỉnh biên giới phía Bắc… Trong đó, cốt lõi nhất là phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để tăng cường chỉ đạo; gắn kết với các chương trình kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm để nâng cao đời sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Công tác phòng, chống mua bán người phải luôn được coi là một công tác toàn diện, phải vừa chống vừa phòng ngừa, vừa “rung chuông”, vừa phải mạnh tay trấn áp.
Thái Bình
.