(BVPL) - Rất nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ đời mới nhất của các nước, người cần sử dụng chỉ cần nộp tiền vào tài khoản là có người “alô” hẹn giao hàng ngay.

 
 
Không dừng lại ở tình trạng tàng trữ các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trái phép trên đường phố và sử dụng như một vật để phòng thân, sẵn sàng xả súng nếu xảy ra mâu thuẫn, gần đây chúng còn được sử dụng để chống trả lại người thi hành công vụ. 
 
Đơn cử như vào hồi 14h30 ngày 2/10 mới đây, tại ngã tư Hai Bà Trưng - Hàng Bài, trong lúc làm nhiệm vụ, tổ công tác Y5-141 do trung tá Hà Văn Tuân làm tổ trưởng đã phát hiện trên chiếc xe ôtô hạng sang hiệu Acura BKS 30N-684x có tàng trữ 1 kiếm dài, 1 bình xịt hơi cay, 1 côn nhị khúc. Khi bị tổ công tác chặn lại, số thanh niên trên xe đã liên tục dùng nhiều “chiêu” như: Gọi điện thoại, xưng quen biết cán bộ cấp cao… để hù dọa các thành viên trong tổ công tác, tuy nhiên tất cả đều không thành.
 
Trước đó- ngày 26/7, Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ đối tượng Tạ Văn Hùng - từng có tiền án tham gia băng cướp ở Yên Thế, Bắc Giang, về buôn ma túy- dùng nhiều vũ khí nóng chống trả. Kết quả khám xét tại hiện trường nơi đối tượng ẩn nấp, chống trả và trong xe ôtô của đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ: 5 khẩu súng quân dụng trong tình trạng đã lên nòng (1 súng AK, 1 súng bắn đạn ghém, 2 súng ngắn K59, 1 súng colt và 120 viên đạn các loại). Ngoài ra, còn có 2 quả lựu đạn, 100 bánh heroin, 4 túi chứa 800 viên ma túy tổng hợp, 20.000USD, 150 triệu đồng, 10 điện thoại di động, 3 máy vi tính xách tay, 1 bộ biển số ôtô giả, 21 chiếc chông 6 cạnh và nhiều vật dụng khác.
 
Cần khẩn trương có biện pháp mạnh
 
Theo báo cáo của lực lượng 141- Công an TP.Hà Nội (các tổ công tác đặc biệt với liên quân gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động), đối tượng tàng trữ và sử dụng các loại súng không chỉ là các đối tượng ''cộm cán'' ngoài xã hội, mà còn là những thanh niên mới lớn. Các loại súng sử dụng cũng rất phong phú, từ súng tự chế như súng bút, súng bắn đạn hoa cải với một phần được nhập lậu từ biên giới về Việt Nam, còn lại đa phần trong số đó là các loại súng quân dụng.
 
Thực tế cho thấy, các loại súng gồm súng bắn đạn hoa cải, súng tự chế, súng bút… khi bắn đều có thể gây thương tích nghiêm trọng cho người bị hại. Và khi đã xảy ra trọng án, thì phần lớn kẻ thủ ác cũng bị sa lưới pháp luật. Nhưng hành vi tàng trữ, nếu không chứng minh được mục đích sử dụng thì vẫn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính, vì thế các đối tượng vẫn “nhờn thuốc”, coi việc tàng trữ và sử dụng các loại súng như một thứ đồ bất ly thân…
 
Có thể khẳng định, mặt hàng này là mối quan tâm của những thành phần bất hảo, các băng nhóm trộm, cướp đã và đang gây ra hàng loạt vụ án nhức nhối gần đây. Chính vì thế, việc phòng ngừa đối với tội phạm mua bán, tàng trữ vũ khí là vấn đề hết sức quan trọng. Thực tế trong thời gian gần đây, ngoài việc liên tục vận động nhân dân thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, thì lực lượng công an đã làm rất mạnh tay trong việc phòng, chống loại tội phạm này. 
 
Đặc biệt là sự ra đời của tổ công tác 141 của Công an TP.Hà Nội, đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ rất nhiều tang vật là vũ khí các loại. Hoạt động mạnh của tổ công tác 141 cũng khiến các đối tượng tàng trữ các loại vũ khí phải dè chừng. Cụ thể, các tổ công tác đặc biệt Y/141 đã phát hiện, thu giữ hơn 1.700 tang vật, gồm: 8 khẩu súng quân dụng, 48 súng công cụ hỗ trợ và gần 200 viên đạn; 503 dao, kiếm các loại và 1 nỏ, 1 rìu sắt, 116 bình xịt hơi cay, 161 dùi cui các loại... 
 
Trong những năm gần đây, lực lượng chức năng đã thu giữ từ các vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ 2.219 khẩu súng; 901 quả bom, mìn, 1.003 đầu đạn pháo, 37.889 viên đạn, 157.381 kíp nổ và 2.064 công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ... 
 
Chỉ tính riêng trong 5 năm (2006 - 2011), các cơ quan bảo vệ pháp luật đã điều tra, truy tố, xét xử 1.238 vụ với 2.664 đối tượng về các tội danh có liên quan VK-VLN-CCHT. Điều đó cho thấy loại tội phạm này vẫn có diễn biến hết sức phức tạp và đang có chiều hướng gia tăng. 
 
Với tính chất nguy hiểm của loại tội phạm này, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để ngăn chặn, xử phạt nghiêm không chỉ các đối tượng tàng trữ, mà quan trọng là triệt phá “nguồn” cung cấp vũ khí từ nước ngoài, kiểm soát chặt lượng vũ khí tuồn qua biên giới bằng mọi con đường, xử lý nghiêm các đối tượng “đầu nậu” buôn bán vũ khí. Và đặc biệt, với việc rao bán vũ khí ngang nhiên trên mạng như hiện nay, các cơ quan quản lý truyền thông cũng không thể đứng ngoài cuộc.
 
(Theo An ninh thủ đô)
.