Vôi bột là một hóa chất được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp nhằm cải tạo đất, hạ phèn, khử chua, tiệt trùng ao nuôi, chuồng trại... Tuy nhiên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhiều hộ kinh doanh đã “hô biến” bột đá trắng thành… vôi bột, để bán ra thị trường thu lợi bất chính.
 


Trong vai một người đi mua vôi để xử lý ao tôm, chúng tôi tìm về xóm 19, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, không khó để nhìn thấy những bãi “chế biến” vôi nằm ngoài đường, trong ngõ của một số hộ dân. Bên cạnh các đống vôi khối (vôi tôi nguyên cục) là những đống bột đá trắng dùng để pha chế, trộn lẫn vào nhau. Theo điều tra, bột đá trắng thì chỉ lên các NM chế biến đá trắng đóng ở huyện Qùy Hợp để lấy. “Bột đá trắng được các NM thải ra đầy, mỗi tháng cần phải dọn dẹp, chở đi xử lý. Khi thấy một số người vào xin, chúng tôi cho ngay. Ban đầu không biết họ chở về xuôi làm gì, nhưng sau này mới biết là pha vào vôi tôi bán cho người dân bón ruộng” – ông Nguyễn Đình V - chủ một DN chế biến đá trắng đóng tại xã Tam Hợp - cho biết.

Ông Nguyễn Đình Thắng - xóm trưởng xóm 19 - nói: “Ban đầu, các hộ dân bán vôi nguyên khối, chứ không có chuyện pha trộn, làm giả. Để hạ gia bán, họ pha bột đá trắng vào, lâu ngày trở thành phổ biến. Chúng tôi đã nhắc nhở, nhưng các hộ dân làm theo phong trào, nên rất khó nói”.

Anh Nguyễn Văn Quang (ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành) nói: “Năm nào trước khi gieo cấy nhà tôi cũng mua vài tạ vôi bột để bón ruộng. Nhưng không hiểu sao, đất ngày càng chua phèn. Vừa rồi, chúng tôi kiểm tra, đúng là vôi bột này có khác so với vôi mua trước đây”. Bình thường, nếu vôi tôi để trong môi trường khi hút ẩm sẽ tơi ra, không vón cục hay đóng tảng. Nhưng gần đây, một số người dân khi bón ruộng không hết, để lại vài ba tuần, đã thấy vôi “chết”, đóng thành tảng.

Anh Hồ Văn Quyền - kỹ sư thủy sản thuộc Cty TNHH đầu tư thủy sản Nam Miền Trung - cho biết, việc người dân mua phải vôi giả bón xuống ao hồ không gây chết tôm cá ngay lập tức. Về lâu dài thì do không có tác dụng trong việc nâng pH nước, tăng độ kiềm, khử phèn trong đất và nước, diệt tạp, giảm tảo, sát khuẩn ao nuôi, nên sẽ làm tôm cá bị bệnh, không phát triển được.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đôn Hóa - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn (huyện Quỳnh Lưu) - cho biết: “Xã Quỳnh Văn có khoảng hơn trăm hộ làm vôi. Nếu có tình trạng làm vôi giả bằng cách trộn bột đá vào như phản ánh thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra, chấn chỉnh ngay”. Ông Nguyễn Tùng Sơn – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An) - cho biết: “Tại Quỳnh Lưu và TX.Hoàng Mai, nếu có tình trạng sản xuất vôi bột giả như phản ánh, chúng tôi sẽ cho nắm tình hình, đưa mẫu đến Chi cục Đo lường chất lượng để kiểm định, sau đó sẽ có báo cáo các cơ quan chức năng liên quan để có hướng xử lý, tránh gây thiệt thòi cho người tiêu dùng”.
 

Theo Lao Động