Trên địa bàn 30 quận huyện, thị xã của Hà Nội, trên tổng số khoảng 1.600 cơ sở thì có 1.240 cơ sở kinh doanh karaoke đã được cấp phép hoạt động, trong đó, hầu hết đều không đáp ứng đầy đủ điều kiện.
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Nguyễn Khắc Lợi cho biết, theo đánh giá của Sở, trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở karaoke hoạt động không phép, sai phép như cửa phòng hát không đúng quy định, vượt số lượng phòng hát theo quy định; biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích lớn, che kín toàn bộ mặt tiền nhà; dùng đèn chiếu sáng, đèn tràn trí có độ sáng chói, tiêu thụ điện năng lớn tiềm ẩn nguy cơ chập điện, hỏa hoạn…
 
Một số quận, huyện còn để cho các nhà hàng giải khát, ăn uống, phòng trà hát karaoke có yếu tố nước ngoài hoạt động không đúng quy định của pháp luật nhưng chưa có biện pháp xử lý hoặc lúng túng trong việc áp dụng quy định của pháp luật để giải quyết các vụ việc phát sinh trên địa bàn.
 
Qua đợt tổng kiểm tra cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn 30 quận huyện, thị xã có 1.240 cơ sở kinh doanh karaoke đã được cấp phép hoạt động, trên tổng số khoảng 1.600 cơ sở, trong đó, hầu hết đều không đáp ứng đầy đủ điều kiện.
 
Nhưng điều đáng nói, với số lượng quán karaoke không phép lớn như vậy, nhưng trong năm 2016, Thanh tra Sở đã kiểm tra 346 cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke, băng đĩa trên địa bàn nhưng chỉ lập biên bản vi phạm hành chính được 29 trường hợp, với tổng tiền phạt hơn 420 triệu đồng về hành vi kinh doanh karaoke không giấy phép, không đảm bảo quy định về thiết kế cửa phòng, kinh doanh không đúng nội dung ghi trong giấy phép…
 
Một số vụ vi phạm điển hình như phạt 30 triệu đồng với cơ sở kinh doanh karaoke 299 Xã Đàn, Đống Đa về hành vi kinh doanh karaoke không phép; xử phạt 30 triệu đồng với cơ sở kinh doanh karaoke tại 258 Trần Khát Chân, Hai Bà Trưng về hành vi kinh doanh không có giấy phép; cơ sở kinh doanh karaoke 53 đường Long Biên bị phạt 25 triệu đồng...
 
Kiểm tra phát hiện nhiều quán karaoke vi phạm
Kiểm tra phát hiện nhiều quán karaoke vi phạm
 
Theo ông Lợi, mặc dù các quận, huyện cho biết hàng năm đều có kiểm tra định kỳ, thậm chí tái kiểm tra nhiều lần nhưng sau vụ việc cháy ở cơ sở kinh doanh karaoke trên phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội yêu cầu kiểm tra, rà soát thì lại phát hiện ra nhiều cơ sở vi phạm, thậm chí không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp phép hoạt động.
 
Đơn cử như quận Hà Đông, trên địa bàn quận có có 102 cơ sở karaoke hoạt động, nhưng kiểm tra chỉ có 42 cơ sở đủ điều kiện, còn lại chưa đủ điều kiện hoạt động; 10 cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã bị tạm đình chỉ hoạt động.
 
Hay như quận Ba Đình, có 32 cơ sở kinh doanh karaoke thì có đến 28 cơ sở chuyển đổi công năng từ nhà ở sang kinh doanh.
 
Còn đối với quận Hai Bà Trưng, đến tháng 10/2016, toàn quận có 60 có sở karaoke hoạt động, huyện đã kiểm tra 130 lượt, xử phạt 10 cơ sở, tổng số tiền 150 triệu đồng. Nhưng sau khi có chỉ đạo của thành phố, quận tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ 60 cơ sở thì phát hiện 33 cơ sở vi phạm về biển hiệu, thừa phòng hát, 40 cơ sở vi phạm về PCCC…
 
Đặc biệt, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Khắc Lợi, dù việc cấp phép kinh doanh vũ trường thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở nhưng đến thời điểm này, chưa có tổ chức nào liên hệ với Sở để được hướng dẫn cấp phép hoạt động. Như vậy, trên lý thuyết thì hiện trên địa bàn Hà Nội không có vũ trường nào. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Quang Trung, trên địa bàn quận Ba Đình hiện có vũ trường New Square thuộc khách sạn Deawoo đang hoạt động.
 
Nói về khó khăn trong công tác quản lý, ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa chặt chẽ và chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa. Hiện tại, có rất nhiều cơ sở kinh doanh cafe ca nhạc “Hát cho nhau nghe”, nhưng thực chất là karaoke trá hình.
 
Ngoài ra, một số nội dung xử phạt hành chính quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP không cụ thể và chi tiết nên khó thực thi, khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke. Đặc biệt, việc không quy định thời hạn đối với giấy phép kinh doanh dịch vụ văn hóa karaoke đã bộc lộ hạn chế, vô tình tạo ra sự lỏng lẻo trong quản lý đối với hoạt động karaoke.
 
Sở Văn hóa và Thể thao cũng đánh giá, việc cấp giấy phép hoạt động vô thời hạn đang gây khó khăn cho cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và trong đó không có quy định để rút giấy phép kinh doanh.
 
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Động cho rằng, nếu cứ duy trì việc kiểm tra liên ngành như hiện nay thì chỉ là hình thức, thậm chí có tình trạng nội bộ đoàn kiểm tra “báo” trước cho cơ sở được kiểm tra. Ông Động kiến nghị Thành phố dứt khoát đình chỉ đối với các cơ sở karaoke không đủ điều kiện.
 
Đồng ý với kiến nghị trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu, trong thời gian tới, nếu cơ sở nào vi phạm, chưa đủ điều kiện hoạt động thì đình chỉ hoạt động đến khi nào khắc phục xong mới tiếp tục cho phép hoạt động.
 
Ông Ngô Văn Quý cũng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, hệ thống lại toàn bộ các văn bản quy định liên quan; chỉ cấp Giấy phép hoạt động kinh doanh karaoke khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
 
Theo Xuân Hưng / VnMedia