(BVPL) - Dù đã tăng cường quản lý, giám sát, nhưng tỷ lệ tồn dư các hóa chất độc hại trên rau, quả tươi và thịt vẫn đứng đầu danh sách các loại nông sản. Hàng ngày, vẫn có hàng nghìn tấn thịt bẩn trôi nổi ra thị trường.
Thịt có chất cấm, rau quả tồn dư hóa chất
Qua giám sát, cơ quan chức năng các địa phương phát hiện 5% mẫu thủy sản chứa hóa chất và kháng sinh cấm, 6,7% nhiễm vi sinh vật. Bên cạnh đó, ô nhiễm vi sinh vật đối với thịt lợn, thịt gà tại cơ sở giết mổ, cơ sở kinh doanh thịt cũng đang là điểm nóng về ATVSTP khi có tới 10% mẫu thịt lợn nhiễm Salmonella và 38,7% số mẫu thịt gà nhiễm E.coli. Cơ quan phụ trách về ATVSTP của các địa phương cũng đã phát hiện 26% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật, 4,9% nhiễm chất cấm trong chăn nuôi như Salbutamol và Chloramphenicol. Hiện có tới 63% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đang bị xếp hạng C (vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP). “Điều này đồng nghĩa với việc, hàng ngày đang có hàng nghìn tấn thịt không đảm bảo ATVSTP tràn ra thị trường, hiện diện trên mâm cơm của các gia đình”, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT nhận định.
Bên cạnh thực phẩm như thủy sản, thịt nhiễm vi khuẩn, hóa chất độc hại, kết quả kiểm tra rau quả tươi của Cục Bảo vệ thực vật cũng cho thấy, nhiều mẫu rau, quả nhập khẩu còn tồn dư hóa chất độc hại. Như nho, lựu, khoai tây, cà chua… đều đã phát hiện tồn dư hóa chất gấp từ 1,5-5 lần cho phép. Kết quả kiểm tra rau xanh trong nước cũng phát hiện tồn dư hóa chất, đặc biệt trên rau muống, rau thơm.
Liên tiếp nhiều vụ thu giữ các lô hàng thực phẩm không đạt chuẩn, thịt lợn nhiễm bệnh, gà lậu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Vận chuyển 1,2 tấn thịt lợn bẩn “vượt mặt” 7 trạm kiểm dịch của một loạt các tỉnh, thành miền Trung để “có mặt” tại TP Hồ Chí Minh; hơn 10 tấn thịt bò Australia nhập khẩu không đạt chuẩn nhưng vẫn được “linh động” để thông quan, càng khiến người tiêu dùng lo lắng về sự nỗ lực trong công tác đảm bảo ATVSTP của các ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá, vi phạm ATVSTP vẫn còn ở mức cao trong lĩnh vực chăn nuôi, các sản phẩm từ động vật: “Ngay cả với rau, tỷ lệ nhiễm hóa chất vượt mức cho phép vẫn rất cao so với các nước tiên tiến trên thế giới”.
Thực phẩm nhập khẩu cũng mất an toàn
Thêm vào đó, ông Cao Đức Phát lo ngại về tình trạng các lô hàng nhập khẩu bị làm cho mất ATVSTP sau khi đã vào nội địa. “Có tình trạng hàng nhập khẩu bị tráo đổi, làm mất an toàn hoặc bị bơm thêm thuốc bảo quản nên chúng ta phải tổ chức hệ thống kiểm soát và tiến hành kiểm soát gắt gao đường đi của các lô hàng, từ biên giới vào nội địa và bày bán trên thị trường”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói.
Còn thực trạng trên, theo ông Cao Đức Phát, những nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong lĩnh vực ATVSTP thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, phần lớn thuộc về chủ quan. Xác định, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP là nhiệm vụ trọng tâm, số một của ngành trong năm 2013 và các năm tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, nếu chỉ chạy theo sự vụ, làm theo vụ việc chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Trước mắt, Bộ này đưa ra mục tiêu giảm 10% số vụ vi phạm về ATVSTP và 10% cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm xếp loại C.
“Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, chúng ta phân loại và lập bảng cảnh báo với các màu chỉ dẫn như xanh, vàng, đỏ. Các sản phẩm được đưa vào nhóm màu xanh là an toàn, vàng là có vấn đề ở mức độ nhẹ và đỏ là mất ATVSTP nghiêm trọng. Các bảng này được cập nhật và phổ biến rộng rãi tới các địa phương để tổ chức giám sát, khắc phục và xử lý kịp thời, thông tin đầy đủ để người tiêu dùng biết và lựa chọn”, Bộ NN&PTNT đề nghị. Đối với các cá nhân và cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh vật tư nông nghiệp vi phạm nghiêm trọng các quy định về ATVSTP sẽ bị kiểm tra với tần suất cao hơn, nếu không có chuyển biến cơ quan chức năng sẽ thu hồi giấy phép, thậm chí có thể xử lý hình sự.
Theo An ninh Thủ đô