Thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý mạnh tay nhiều vụ vi phạm trong kinh doanh phân bón, thế nhưng, thị trường phân bón trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều mặt hàng kém chất lượng, gây thiệt hại cho người dân.

 


Tuy nhiên, đó chỉ là những vụ vi phạm mà lực lượng chức năng phát hiện được khi mở đợt cao điểm kiểm soát, còn trên thực tế, ai dám chắc trên thị trường không còn phân bón giả, kém chất lượng (?!)

Cần xử lý mạnh tay hơn

Tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường không chỉ làm ảnh hưởng đến nhà sản xuất chân chính mà còn gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Để bảo vệ nông dân trước nạn phân bón kém chất lượng, mỗi năm, lực lượng QLTT tỉnh đều mở các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này trên phạm vi toàn tỉnh, và hầu như đợt nào cũng phát hiện vi phạm. Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do người bán chạy theo lợi nhuận nên cố tình bày bán phân bón giả, kém lượng để đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng (NTD). Thêm nữa, chất lượng phân bón thường không thể nhận biết bằng mắt thường, thành ra nhiều người mua phải phân bón kém chất lượng mà không hề hay biết. Bên cạnh đó, theo ông Giao Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh thì một bộ phận NTD, nhất là NTD vùng nông thôn, vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc tìm hiểu thông tin ghi trên bao bì sản phẩm như chủng loại, nguồn gốc, thành phần dinh dưỡng, hạn sử dụng…., chính điều này đã vô tình tạo điều kiện cho nạn phân bón giả vẫn còn “đất sống”. Đó là chưa kể, việc mua bán không giữ lại hóa đơn chứng từ, nên khi gặp phải phân bón giả, nông dân không biết “kêu ai” bởi không hề có chứng cứ để truy xét về sau.

Thời gian qua, việc kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn tình trạng vận chuyển, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đã được các ngành chức năng chú trọng. Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục QLTT tỉnh thì trong công tác chống nạn phân bón giả vẫn còn một số khó khăn như Nghị định 163/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp” không quy định rõ thẩm quyền của lực lượng QLTT trong phạm vi vi phạm kinh doanh phân bón, nên lực lượng này vẫn phải áp dụng phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 185, ngày 15-11-2013 về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, trong khi, chế tài xử lý vi phạm này hiện vẫn chưa đủ mạnh để có tính răn đe. Về phía nhà sản xuất, phân phối khi phát hiện hàng hóa của mình bị làm giả cũng không chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý do lo sợ nếu có thông tin hàng của đơn vị mình bị làm giả thì NTD sẽ không dám mua. Để kịp thời ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng QLTT tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp như cử các đội bám sát địa bàn, xây dựng nguồn cung cấp thông tin từ cơ sở, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trong khâu lưu thông, nhất là các phương tiện giao thông trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, theo ông Tùng thì tình trạng phân bón được làm giả rất tinh vi từ khâu sản xuất đến lưu thông, mua bán, do đó, để giải quyết tận gốc, cần siết chặt kiểm tra chất lượng ngay từ các nhà máy, cơ sở sản xuất mặt hàng này.

 

Theo Báo Đắk Lắk

.