Đi chơi đêm về, nhác thấy bóng người trong đêm tối, “đoán là cướp” nên “người bị hại” quay xe chạy báo tin “bị cướp”. Vậy mà ngay sau đó, các bị cáo vẫn bị truy bắt và bị lập biên bản phạm tội quả tang rồi bị truy tố. Những thanh niên nghèo xa quê làm thuê mưu sinh lương thiện bỗng chốc vướng vòng lao lý vì một vụ cướp “tưởng tượng”. Sau khi cố kết tội, án của tòa án huyện Bình Chánh đã bị hủy vì có nhiều uẩn khúc.

 

 

Luật sư Trịnh Công Minh và Luật sư Nguyễn Ngọc Khuể (VPLS Trung Nguyên) - hai người bào chữa miễn phí cho Uống lập luận: Yếu tố quan trọng cấu thành tội cướp là phải thực hiện hành vi khách quan là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm cướp xe. Vụ án này, cơ quan tố tụng không chứng minh được hai bị cáo có hành vi khách quan nêu trên. Hơn nữa, xét về mặt tâm lý tội phạm, sau khi cướp không thành thì không ai dại gì vẫn tới lui khu vực đó để bị bắt.

 

Sau khi điều tra lại, Quyền đổi lời khai, rằng khi khoảng cách giữa anh và hai thanh niên còn 5 m, anh quay đầu xe thì bị quăng cây theo nhưng không trúng. “Nếu thực sự hai bị cáo có ý định cướp xe thì với khoảng cách chỉ 5 m, còn phải cua gấp để quay đầu thì anh Quyền có thể thoát được không? Không một ai trong đêm tối, đèn đường chỗ có chỗ không, vừa bị cướp đuổi theo, lại vừa đủ bình tĩnh để quay lại xem kẻ cướp đó là ai” - các luật sư đặt vấn đề...

 

Đáng lưu ý, biên bản bắt người phạm tội quả tang lại được lập sau khi bắt người hơn 15 giờ và cũng không ghi nhận được sự việc quả tang gì ngoài lời trình báo của người bị hại, lời khai nhận tội ban đầu của hai bị cáo và lời khai của hai người đi bắt (biên bản ghi vai trò của hai người này là người làm chứng). Từ những lập luận đó, luật sư đề nghị tòa tuyên vô tội và khôi phục danh dự quyền lợi cho Uống và Sỹ.

 

Tuy nhiên, TAND huyện Bình Chánh vẫn nhận định hành vi của Uống và Sỹ là cướp chưa đạt do chưa gây hậu quả và không thu được hung khí. Từ đó tòa tuyên phạt Uống và Sỹ 1 năm 7 tháng 9 ngày tù, bằng thời gian tạm giam và thả tự do ngay tại tòa. Uống đã kháng cáo kêu oan vì danh dự gia đình, còn Sỹ thì vẫn kêu oan nhưng không kháng cáo vì bận trông đầm tôm thuê, không rảnh để kháng cáo và tới lui hầu toà.

 

Ngày 20-9-2014, TAND TP.HCM tuyên hủy để điều tra, xét xử lại vì những vi phạm nghiêm trọng. Đó là điều tra theo định hướng có tội, lập biên bản phạm tội quả tang là để hợp thức hóa hành vi phạm tội theo lời khai bị hại, ngoài lời khai có quá nhiều mâu thuẫn của người này thì không có chứng cứ buộc tội khác. Cáo buộc sử dụng gậy để cướp nhưng lại không thu giữ được cây nào. Uống và Sỹ không biết anh Quyền, anh Quyền cũng không biết hai bị cáo trước khi xảy ra “vụ cướp”. Thế nhưng anh Quyền lại có thể khai rành mạch tên tuổi, quê quán của hai bị cáo trong những lời khai ban đầu. Đặc biệt, chiếc xe không bị ai chiếm đoạt nhưng công an tự thu, tự định giá rồi tự trả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi bị cáo…

 

Điều tra lại, Công an huyện Bình Chánh đã về Sóc Trăng bắt Ong Văn Sệt ngày 11-2-2015 (khoảng 10 ngày trước tết Nguyên đán 2015). Tại CQĐT, ban đầu Sệt bị khởi tố tội không tố giác tội phạm. Sau đó thì xuất hiện các bản khai của Sệt thừa nhận đã tham gia vụ cướp nên bị đổi tội danh thành cướp tài sản.

 

Theo cáo trạng mới, đêm xảy ra sự việc có bốn thanh niên thực hiện hành vi cướp, như vậy còn một người nữa vẫn chưa bắt được. Viện KSND huyện Bình Chánh vẫn truy tố Uống, Sỹ, Sệt tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS với mức án lên đến 15 năm tù, dù hai khúc cây được xem là phương tiện nguy hiểm để thực hiện hành vi cướp vẫn chưa thu hồi được...

 

Cảm thương hoàn cảnh nghèo, éo le của các bị cáo, luật sư Trịnh Công Minh vẫn tiếp tục bào chữa miễn phí cho Uống, miễn phí luôn cho Sệt. Lần này, luật sự Huỳnh Kim Ngân (Công ty Luật Chân Thiện Mỹ) cũng tham gia tố tụng trong vụ án và bào chữa miễn phí cho Sệt.

 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (quản lý cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nơi Uống, Sỹ làm thuê) kể: “Tối đó, sau khi giao ca lúc 10 giờ, tụi nó nhậu chút rồi đi ra ngoài, chắc tụi nó đi đái hay đi mua đồ ăn đêm gì đó. Khi Sỹ ra ngoài kêu đứa kia vô để làm việc thì ông Sáu (người làm chung) cũng ra theo. Ông Sáu đi sau Sỹ một đoạn ngắn thì bất ngờ thấy phía trước đám đông la ó “Bắt nó!”, rồi tiếng rượt đuổi ầm ầm. Ông sợ quá chui vào nhà luôn”. Bà Lệ cho hay bà không tin Uống và Sỹ có thể làm bậy bởi “tụi nó cần mẫn, làm luôn cả ca đêm. Vậy cho nên có mấy khi tụi nó ra ngoài đâu. Mô tơ, máy móc để trong xưởng, ban đêm tôi về đâu có ai quản lý. Vậy mà có mất mát gì đâu. Nếu lấy đem bán một hai cái cũng cả tháng lương làm cắm mặt không biết trời đất chớ bộ”.

 

Theo NTD

.