leftcenterrightdel
 Các đối tượng làm giả lệnh bắt giữ và nguỵ tạo tình huống ép nạn nhân thông tin về gia đình để chuyển tiền.

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh, khoảng 15h30 ngày 15/7/2025, đơn vị tiếp nhận trình báo từ chị N.T.L (SN 1983, trú tại phường Hồng Gai, TP Hạ Long) về việc con trai chị là H.Đ.M (SN 2007) nghi bị bắt cóc, yêu cầu chuộc tiền với số tiền lên tới 300 triệu đồng.

Gia đình cho biết, liên tục nhận được các cuộc gọi qua Zalo từ số lạ, kèm hình ảnh cháu M. đang bị giữ và những lời lẽ đe dọa, ép buộc chuyển tiền. Nhận định đây có thể là vụ lừa đảo có tổ chức, Phòng Cảnh sát hình sự đã phối hợp với Công an phường Hồng Gai và các lực lượng chức năng khẩn trương vào cuộc.

Sau khi tiến hành điều tra, lực lượng chức năng xác định, đây là một hình thức lừa đảo qua mạng với thủ đoạn tinh vi. Các đối tượng sử dụng công nghệ số để dựng lên một kịch bản bắt cóc giả, thao túng tâm lý nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản từ gia đình.

Qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã hướng dẫn gia đình trấn an tinh thần M., đồng thời phối hợp xử lý tình huống, khiến các đối tượng phải từ bỏ ý đồ phạm tội. Đến khoảng 18h cùng ngày, M. trở về nhà an toàn.

Tại cơ quan Công an, M. khai nhận, đã bị các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ Công an liên hệ, thông báo rằng M. có liên quan đến một vụ án rửa tiền tại Hải Phòng. Qua nền tảng họp trực tuyến Zoom, M. được yêu cầu tham gia một “cuộc họp” có sự xuất hiện giả mạo của “Bộ Công an” và “Viện Kiểm sát”. Tại đây, các đối tượng đưa ra “lệnh bắt giữ” và “quyết định phong tỏa tài khoản” giả mạo nhằm gây áp lực, buộc M. làm theo hướng dẫn.

Trong tình trạng hoảng loạn, M. được yêu cầu thuê phòng tại một nhà nghỉ gần hồ điều hòa (phường Hồng Gai) và không tiết lộ với ai về việc đang “làm việc với công an”. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của nhóm lừa đảo, M. gọi điện về nhà, dựng chuyện thua cờ bạc để vay tiền. Khi không được đáp ứng, các đối tượng yêu cầu M. nói dối rằng đang bị bắt cóc.

Trong suốt quá trình này, nhóm đối tượng duy trì liên lạc, sử dụng cả tài khoản Zalo và nhiều số điện thoại khác để nhắn tin, gọi điện đe dọa, khiến cha mẹ M. tin rằng con trai đang bị bắt giữ thật sự. Họ gần như đã chuẩn bị sẵn tiền để chuyển theo yêu cầu.

Qua vụ việc trên, Công an tỉnh Quảng Ninh cảnh báo người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên và phụ huynh, cần nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn mạo danh cơ quan chức năng. Người dân tuyệt đối không chuyển tiền khi chưa xác minh rõ danh tính và mục đích của người yêu cầu, đặc biệt với các dấu hiệu như: yêu cầu giữ bí mật, dọa bắt giam, gọi video có người mặc sắc phục, hoặc sử dụng ngôn ngữ pháp luật không rõ ràng.

Trúc Quyên