Nhiều cơ sở chế biến thực phẩm ở Nghệ An công khai sử dụng hóa chất độc hại để chế biến giấm gạo, quẩy, măng tươi… trước sự bất lực của cơ quan quản lý
 


Cũng trong ngày 7-4, Phòng CSĐT tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Nghệ An phát hiện và thu giữ gần 6 tấn măng ngâm tẩm hóa chất khi một đối tượng tập kết trên một con đường ở xã Hưng Chính, TP Vinh để đưa đi tiêu thụ.

Trước đó, ngày 6-4, PC49 Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang cơ sở của ông Đới Văn Thịnh (phường Đội Cung, TP Vinh) sử dụng phụ gia, chất lỏng không rõ nguồn gốc để chế biến quẩy. Lực lượng chức năng đã thu giữ 14 kg chất bột màu trắng và 21 lít chất lỏng không rõ nguồn gốc và 21 kg quẩy thành phẩm.

Một vụ chế biến thực phẩm bẩn đáng chú ý khác cũng đã được lực lượng chức năng phát hiện hôm 5-4. Theo đó, qua kiểm tra tại cơ sở chế biến măng tươi Sơn Hạnh do ông Lê Đức Sơn (trú tại khối 2, phường Đội Cung, TP Vinh) làm chủ, lực lượng chức năng thu giữ 14 tấn măng chưa qua sơ chế bốc mùi hôi thối, 500 kg măng đã ngâm hóa chất, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Để “phù phép” măng hôi thối có màu đen sang màu trắng hoặc vàng tươi, chủ cơ sở đã cho ngâm hóa chất tẩy trắng và sử dụng chất vàng ô có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tại đây, lực lượng chức năng còn thu giữ 1 bao chất bột màu vàng nghi là chất màu tổng hợp. Đây là loại hóa chất vô cùng độc hại, chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm vải, giấy, gỗ, sơn quét tường...

Cũng trong ngày 5-4, PC49 Công an tỉnh Nghệ An phát hiện tại cơ sở sản xuất của bà Phạm Thị Trang (phường Đội Cung, TP Vinh) có khoảng 10 tấn măng đã qua sơ chế, được ngâm với nước có pha hóa chất chất bột màu vàng.

Hai cơ sản sản xuất măng tươi nêu trên đã hoạt động hàng chục năm nay. Bình quân mỗi ngày, 2 cơ sở bán ra khoảng 200 kg măng tươi. Theo PC49 Công an tỉnh Nghệ An, hầu hết các chủ cơ sở khai nhận mua các loại bột, hóa chất để chế biến thực phẩm tại một số cửa hàng ở chợ Vinh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực chợ này, các loại hóa chất độc hại được bày bán công khai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An, cho rằng việc kiểm tra, xử lý là không dễ.

“Theo quy định, muốn kiểm tra việc kinh doanh phải thông báo cho cơ sở trước 3 ngày nên khi mình đến thì họ đã tẩu tán hết. Ngoài ra, do lực lượng mỏng nên anh em cũng không kiểm tra hết được” - ông Thắng nêu lý do.

Trong khi cơ quan nhà nước bất lực thì từ nhiều năm nay, người dân TP Vinh và nhiều địa phương khác phải sử dụng thực phẩm bẩn mà không hề hay biết.

 

Theo Người lao động

.