Đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR) thừa nhận, hàng lậu vẫn có nhiều “điều kiện” để thẩm lậu lên tàu và VNR đang lúng túng trong việc tìm các giải pháp ngăn chặn, đặc biệt những tháng cuối năm.
Kiểm tra là có vi phạm
Đó là khẳng định của chỉ huy Đội QLTT số 4 - Chi cục QLTT Hà Nội khi được hỏi về những hoạt động buôn lậu lợi dụng vận chuyển hàng bằng đường sắt. Phụ trách chính địa bàn quận Đống Đa và ga Hà Nội, hầu như không năm nào, nhất là những tháng cao điểm cuối năm, Đội QLTT số 4 cùng cơ quan chức năng không phát hiện hàng hóa gian lận chuẩn bị được bốc xếp lên tàu. Mới đây nhất là ngày 27-11, Đội QLTT số 4 phối hợp cùng Cục CS phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an), Phòng CSKT (CATP Hà Nội) và Trạm vận tải đường sắt Hà Nội (thuộc Công ty TNHH MTV vận tải đường sắt Hà Nội), phát hiện nhiều tấn hàng hóa được đóng thành 200 bao gồm quần áo, giầy dép, linh kiện điện thoại, thực phẩm chức năng, nhân sâm... có biểu hiện nghi vấn.
Tại thời điểm kiểm tra, các chủ hàng đã xuất trình một số giấy tờ nhưng qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại hóa đơn không được đăng ký với Cục Thuế, không có số tài khoản ngân hàng hay mã số thuế. Trao đổi với phóng viên ngày 27-12, chỉ huy Đội QLTT số 4 cho biết, vẫn đang tập trung xác minh, làm rõ nguồn gốc số hàng bị tạm giữ, song bước đầu, cơ quan chức năng xác định có cả hàng lậu, hàng giả trong lô hàng trên.
Theo quy luật, khi một cung đường đã bị lộ, tất yếu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sẽ tìm cách di chuyển sang cung đường khác. Vì thế, ngay sau khi lô hàng bị “đánh” tại ga Hà Nội, một vụ hàng hóa có dấu hiệu gian lận khác tiếp tục bị phát hiện tại ga Giáp Bát. Lúc đó khoảng 10h30 ngày 19-12, tổ công tác Phòng CSKT phối hợp với Đội QLTT số 7 cùng đơn vị quản lý ga Giáp Bát đã kiểm tra, phát hiện tại kho C2 và C3 chứa nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc.
Quá trình kiểm đếm, lực lượng chức năng thống kê được 100 bao tải chứa nguyên liệu thuốc Bắc, thuốc Nam với tổng trọng lượng khoảng 4 tấn cùng 34 thùng đồ chơi trẻ em không đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Trước đó vài ngày, cũng tại ga Giáp Bát, lực lượng chức năng thu giữ 25 bao tải, mỗi bao chứa 10 thùng tân dược nhập lậu ghi công dụng điều trị bệnh tiểu đường. Số hàng trị giá khoảng 3 tỷ đồng này định chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, song những người liên quan đều khai không biết chủ hàng là ai.
Trách nhiệm chưa cao
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết ngành đường sắt đã có quy định khá chặt chẽ đối với hàng hóa lên tàu. Đó là phải kiểm tra chủng loại, trọng lượng và có hóa đơn hợp lệ. Nhưng nhiều cán bộ quản lý ga thừa nhận, với số lượng hàng hóa quá lớn, công tác kiểm soát mới chỉ tập trung về trọng lượng. Còn việc thẩm định tính hợp lệ của hóa đơn lại không liên quan nhiều đến chuyên môn của cán bộ đường sắt.
Trên danh nghĩa, hàng lậu được đưa lên tàu sẽ thuộc trách nhiệm của nhà ga. Song thực tế, chịu trách nhiệm chính ở đây lại là chủ hàng, chủ kho hoặc đơn vị đại diện các chủ hàng. Khi ký hợp đồng thuê toa tàu vận chuyển, chủ hàng phải ký hợp đồng với ít nhất một điều khoản cam kết: tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số hàng vận chuyển. Tuy nhiên không ít trường hợp vẫn cố tình đưa hàng lậu lên tàu và chấp nhận sẽ “bỏ của chạy lấy người” nếu bị cơ quan chức năng phát hiện.
Liệu có khó kiểm soát, phát hiện hàng lậu vận chuyển lên tàu? Đây là câu hỏi chúng tôi đã đặt ra với một số cơ quan chức năng và nhận được hồi âm: “Vừa khó lại vừa… không khó”. Một cán bộ đường sắt cho biết: “Với lượng hàng hóa nhiều, nhân lực ít, lại không có máy soi như ngành hàng không nên không thể bao quát được tất cả”. Nhưng ngẫm cũng không quá khó, bởi bằng chứng là lần nào lực lượng chức năng “sờ” đến nhà ga, đều bắt quả tang hoặc làm rõ hàng hóa vi phạm. Vấn đề ở đây là sự quyết tâm chống gian lận thương mại, ngăn chặn sự thẩm lậu hàng hóa vi phạm từ chính các cơ quan thuộc ngành đường sắt.
Thống kê trong 5 năm qua (2011-2015), các lực lượng chức năng phối hợp với ngành đường sắt đã phát hiện, làm rõ và hoàn thiện hồ sơ xử lý 352 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ; Tạm giữ trên 1.600 kiện hàng hóa trị giá hơn 9 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa khoảng 2,7 tỷ đồng… Đại diện VNR nhìn nhận, việc lợi dụng phương tiện đường sắt để vận chuyển hàng nhập lậu vẫn xảy ra, nhưng không quy được trách nhiệm cho tổ chức hay cá nhân nào do phía cơ quan chức năng không thông báo cho phía đường sắt biết kết quả kiểm tra, xử lý. Sự đổ lỗi ấy quả thực rất không chính đáng so với thực trạng công tác phòng ngừa, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, thậm chí cả hàng cấm đang ngày đêm lợi dụng cơ hội, có mặt trên những chuyến tàu…
Theo ANTĐ