Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đã lan rộng ra mọi lĩnh vực của đời sống. Từ các mặt hàng bình dân đến cao cấp, giá trị nhỏ hay lớn, thương hiệu trong nước hoặc nước ngoài đều bị làm giả, làm nhái với thủ đoạn tinh vi khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Điều này không chỉ làm cho các DN làm ăn chân chính lao đao mà người tiêu dùng có lúc cũng lâm vào cảnh dở khóc, dở cười.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình trạng gian lận thương mại diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Trong năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp kiểm tra và phát hiện 259 vụ vi phạm trong các lĩnh vực thương mại, đo lường chất lượng, y tế, an toàn thực phẩm, văn hóa thông tin... Riêng trong tháng 1-2014, Chi cục quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện 18 vụ vi phạm.
Theo cơ quan quản lý thị trường, tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra ở hầu hết các mặt hàng. Mới đây, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện cửa hàng kinh doanh quần áo may sẵn (409, Trương Công Định, TP.Vũng Tàu) do ông Hà Minh Chương làm chủ, bày bán 847 áo sơ mi và 13 quần tây giả nhãn hiệu được bảo hộ của Tổng Công ty CP May Việt Tiến. UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Chương 180 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số hàng vi phạm để xử lý, đồng thời đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa tại địa điểm trên trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt.
Tình trạng gian lận trong lĩnh vực kinh doanh khí hóa lỏng (LPG) cũng diễn ra khá phổ biến. Chỉ trong chưa đầy một tháng, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 3 DN vi phạm, đó là Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Thái Dương (xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) kinh doanh LPG trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công ty này đã có hành vi gian lận là làm thay đổi hình dạng ban đầu của 113 bình LPG trái phép, không có đủ hồ sơ lưu trữ về bình LPG theo quy định. Công ty TNHH Hoàng Long (19/9B đường Hoàng Hoa Thám, TP.Vũng Tàu), kinh doanh LPG không có giấy chứng nhận đủ điều kiện; mua, bán bình LPG của thương nhân kinh doanh LPG khác ngoài hợp đồng đã ký... Công ty TNHH Minh Phong (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), nạp LPG vào bình được phép nạp lại nhưng quá thời hạn kiểm định kỹ thuật an toàn, không đáp ứng đủ điều kiện lưu thông...Những trường hợp vi phạm trên đã bị xử phạt theo quy định.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường đã bắt quả tang nhiều trường hợp vận chuyển và kinh doanh hàng ngàn bao thuốc lá lậu mang nhãn hiệu Jet, Hero… Trong tháng 1-2014, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Vũ Thị Thu Hà (xã Phước Hưng, huyện Long Điền) 85 triệu đồng và tịch thu 1.490 bao thuốc lá điếu nhập lậu để tiêu hủy.
Cùng với hàng gian, hàng giả, cơ quan chức năng cũng phát hiện và xử lý nhiều trường hợp kinh doanh hàng không bảo đảm chất lượng, hàng quá hạn sử dụng. Số hàng gian, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng này tập trung vào các mặt hàng như mũ bảo hiểm, phẩm màu, thịt heo, cà phê, đĩa CD, VCD nhân bản lậu, thuốc tân dược, mỹ phẩm các loại…
Một cán bộ Chi cục quản lý thị trường tỉnh cho biết, dù các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Vì lợi nhuận, nhiều DN làm ăn bất chính vẫn tìm mọi cách để tung hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Để hạn chế hàng giả, hàng nhái, cán bộ này đề nghị bên cạnh việc tăng cường kiểm tra thị trường của cơ quan chức năng, các DN làm ăn chân chính không nên buông lỏng trong quản lý mà phải giám sát lượng hàng hóa tiêu thụ do DN sản xuất, cung ứng ra thị trường...
Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu