Doanh nghiệp vẫn cố tình dùng chất cấm gây ung thư
Cập nhật lúc 22:42, Thứ ba, 08/12/2015 (GMT+7)
Kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, liên ngành Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu quá số lượng Salbutamol so với giấy phép được cấp. Ngoài ra, qua đường dây nóng, Bộ NN&PTNT đã nhận được nhiều thông tin tố giác sử dụng chất cấm có giá trị từ nhân dân. ( chất cấm , cố tình , ung thư, Doanh nghiệp)
Kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, liên ngành Thanh tra Bộ NN&PTNT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) và Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu quá số lượng Salbutamol so với giấy phép được cấp. Ngoài ra, qua đường dây nóng, Bộ NN&PTNT đã nhận được nhiều thông tin tố giác sử dụng chất cấm có giá trị từ nhân dân.
Công ty dược buôn bán Salbutamol trái phép
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 11, lực lượng Thanh tra Bộ NN&PTNT cùng Cục Cảnh sát PCTP về môi trường đã lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi (TACN) của một số công ty nghi vấn để phân tích. Kết quả cho thấy, có 23 mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol, trong đó 16 mẫu là vượt ngưỡng. Thanh tra Bộ NN&PTNT đang phối hợp với cơ quan công an xác lập hồ sơ để xử lý và điều tra mở rộng nơi cung cấp.
Cũng trong tháng 11, đoàn thanh tra đã thanh tra đột xuất 13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng TACN có dấu hiệu sử dụng chất cấm tại các tỉnh, thành phố Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội. Ban đầu đã xác định được 2 công ty có sử dụng Salbutamol là Công ty TNHH TACN Trường Phú (Hải Dương) và Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang). Ngoài ra, 2 công ty này còn bị bắt quả tang đang sử dụng chất tạo màu công nghiệp Auramine trong sản xuất TACN.
Toàn bộ sản phẩm hàng hóa vi phạm đã được Thanh tra Bộ NN&PTNT niêm phong và đang xử lý theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng mở rộng điều tra để làm rõ hành vi vi phạm và mức độ vi phạm. “Đặc biệt, quá trình điều tra nguồn cung cấp Salbutamol, Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cảnh sát PCTP về môi trường đã xác định và đang điều tra làm rõ một công ty dược có hành vi buôn bán 5 tạ chất Salbutamol chưa đúng mục đích sử dụng”, ông Phạm Tiến Dũng thông tin.
Nhiều thông tin tố giác hành vi dùng chất cấm
Đáng nói, đường dây nóng do Thanh tra Bộ NN&PTNT mở để khuyến khích người dân tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trung bình mỗi ngày thông qua đường dây nóng (số điện thoại và email), lực lượng thanh tra Bộ NN&PTNT tiếp nhận khoảng 20 thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm trên cả nước, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Rất nhiều trong số đó đã cung cấp những thông tin quan trọng và có giá trị trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm.
Điển hình là ngày 26-11, nhận được thông tin phản ánh về việc một số trang trại chăn nuôi tập trung tại huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Hà Nội mua sản phẩm TACN đáng ngờ. Ngày 2-12-2015, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã thanh tra đột xuất và lấy mẫu để phân tích tại trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh, ở xóm 12B, xã Dương Liễu, Hoài Đức. Kết quả kiểm định cho thấy, chất bột màu trắng có chứa Salbutamol là 4.845 ppb. Theo thông tin bước đầu, người cung cấp gói bột màu trắng có chứa chất cấm là Hoàng Kim Cường ở Thôn Minh Hiệp 2, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức.
Hiện cơ quan Công an huyện và Cục Cảnh sát PCTP về môi trường tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc chất cấm. Ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, mặc dù cơ quan chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng đã tuyên truyền bấy lâu nhưng một số doanh nghiệp vẫn cố tình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để chạy theo lợi nhuận. Đáng nói, hầu hết các loại chất cấm đều được bán kèm với TACN, với những lời quảng cáo “đường mật” nên nông dân rất dễ đưa vào sử dụng cho gia súc, gia cầm. Thanh tra Bộ NN&PTNT kiến nghị, cơ quan quản lý địa phương phải nhanh chóng thống kê các tổ chức, cá nhân liên quan đến mặt hàng này để phổ biến quy định của Nhà nước về chất cấm, buộc ký cam kết không sản xuất, kinh doanh và sử dụng TACN có chất cấm.
Trước đó, Cục Quản lý dược cũng kiến nghị với Tổng cục Hải quan yêu cầu tạm dừng nhập khẩu các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol. Cục Quản lý dược yêu cầu các công ty chỉ được dùng các nguyên liệu Salbutamol và Clenbuterol đã nhập khẩu để sản xuất thuốc tại công ty, hoặc bán cho các công ty khác có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, phạm vi sản xuất thuốc hoặc phạm vi bán buôn nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực.
Theo ANTĐ
.