Trang sức xi mạ có xuất xứ Trung Quốc đã từng bị lực lượng quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, xét nghiệm và khuyến cáo tới người tiêu dùng (NTD) (năm 2010). Gần đây, với sự xuất hiện nhiều của mặt hàng này tại Hà Nội và TPHCM, lực lượng QLTT lại vào cuộc, Chi cục QLTT TPHCM vừa công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu trang sức xi mạ có xuất xứ Trung Quốc với mức nhiễm chì và cadimi vượt ngưỡng nhiều lần.
Theo kết quả do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 kiểm nghiệm, cả 3 mẫu dây chuyền xi mạ đều nhiễm chì từ 0,003 - 0,015% (tương đương 30mg/kg đến 150mg/kg) và cadimi (kim loại nặng được xếp hàng thứ 7 trong 275 chất cực độc) với hàm lượng nhỏ hơn 0,001%.
Theo các chuyên gia, nếu tiếp xúc với lượng lớn, chất này có thể gây ngộ độc cấp với các biểu hiện như đau thắt ngực, khó thở, chậm nhịp tim, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. Còn nếu tiếp xúc lâu dài có thể làm rối loạn chức năng gan, đau xương, thiếu máu, tăng huyết áp. Lực lượng QLTT đã xử phạt hành chính, tịch thu tiêu hủy toàn bộ tang vật. Hiện lực lượng QLTT đang chờ kết quả kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng đối với 3 lô hàng khác, bao gồm 4.700 sợi dây chuyền xi mạ các loại.
Ông Phan Hoàn Kiếm - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM - cho biết, việc gửi mẫu đi kiểm nghiệm trên xuất phát từ việc trước đây cơ quan chức năng từng phát hiện những trường hợp vi phạm nữ trang xi mạ nhiễm chì.
Sau một thời gian tạm lắng, nay thị trường lại xuất hiện mặt hàng này nên lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra và gửi mẫu đi kiểm nghiệm. Trong thời gian tới, lực lượng QLTT TPHCM sẽ tiếp tục kiểm tra mặt hàng này để ngăn chặn hàng lậu và bảo đảm sức khỏe cho NTD.
Người tiêu dùng vẫn chuộng
Hầu hết các mẫu trang sức xi mạ này có xuất xứ từ Trung Quốc, được bày bán công khai, tràn lan tại các sạp chợ, cửa hàng nhưng không có hóa đơn chứng từ. Theo các tiểu thương, các mẫu trang sức xi mạ này có nhiều kiểu dáng, thiết kế đẹp, bắt mắt và khó phân biệt vàng thật – vàng giả, với đủ màu sắc giống như vàng trắng, vàng 18k nên được không ít NTD, nhất là các bạn trẻ, người lớn tuổi ưa chuộng.
Nữ trang giá rẻ hay còn gọi đồ mỹ ký tại Hà Nội thời gian gần đây được bày bán tràn ngập từ chợ cóc đến các chợ chuyên doanh. Tại các chợ cóc, đồ mỹ ký được đổ đống bán với giá từ hơn chục ngàn tới vài chục ngàn (tùy theo chất lượng phủ xi mạ). Có rất nhiều loại nữ trang để NTD lựa chọn như: Dây chuyền, nhẫn, lắc chân, khuyên tai, vòng tay, vòng cổ đính hạt, xâu hạt...
Khảo sát tại chợ Đồng Xuân, chợ Ngã Tư Sở, Phùng Khoang, Dịch Vọng và nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm trên các tuyến phố: Cầu Giấy, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Mã... đều có bán đồ nữ trang mỹ ký. Riêng trong khu vực chợ Ngã Tư Sở, tiểu thương khu vực bán đồ mỹ ký còn phục vụ tại chỗ cách chọn hạt, xâu chuỗi tạo thành vòng cổ, vòng tay và hoa tai theo bộ. Chỉ với giá từ 10.000 – 40.000đ đồng các bạn sinh viên đã có chiếc lắc giống y chang vàng trắng của Thái Lan. Những sợi dây chuyên có mặt khắc tỉ mỉ cũng chỉ từ 20.000 – 50.000 đồng. Dù là hàng cao cấp giá cũng không vượt quá 150.000 đồng/sản phẩm.
Lý giải việc thích mua đồ mỹ ký, Nguyễn Ngọc Anh (sinh viên Trường CĐ Điện lực) tâm sự: “Vì sinh viên không có tiền nhiều nhưng vẫn thích làm đẹp, một tháng đôi lần em qua chợ sinh viên Phùng Khoang mua khuyên tai, vòng tay chỉ hơn chục ngàn là có đôi hoa tai mới. Mặc dù là đồ mỹ ký nhưng nhìn chẳng khác mấy nữ trang vàng, bạc đắt tiền”. Hầu hết NTD khi mua đồ mỹ ký ít quan tâm tới yếu tố nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, mà thường chỉ chú ý tới giá thành, mẫu mã sản phẩm.
Tại thị trường tại TPHCM, đồ xi mạ vẫn đang được bày bán tràn lan. Từ các sạp ở những chợ lớn, nhỏ đến các cửa hàng lưu niệm, thời trang trên các tuyến đường vẫn bày bán nhiều mặt hàng này và sản phẩm khá đa dạng.
Không chỉ có dây chuyền mà kể cả lắc, vòng, bông tay, nhẫn thiết kế bắt mắt, được bày bán phổ biến trong khoảng 50.000 – 200.000 đồng/sản phẩm. Trên thị trường, các sản phẩm này được người bán giới thiệu hàng Korea, hàng Việt Nam, Trung Quốc.
Điều đáng nói là cả người bán lẫn người mua đều không biết và cũng không nghi ngờ gì về mức độ an toàn chất lượng cũng như khả năng gây hại của sản phẩm khi sản phẩm tiếp xúc với da trong thời gian dài.
Theo Lao Động