(BVPL) - Ngày 27/8/2015, TAND tỉnh Bắc Giang đã đưa ra xét xử vụ án “Bùi Đình Sóng cùng đồng phạm lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Tân Sơn, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. 

 

Bản kết luận
Bản kết luận điều tra vuk án,
 
Theo đó, các bị cáo: Bùi Đình Sóng bị tuyên phạt 6 năm tù, Nguyễn Tiến Nết 5 năm 6 tháng tù, Đỗ Văn Khiêm 5 năm tù. Kỳ lạ là, ngay sau khi xét xử, không chỉ có các bị cáo kêu oan mà 63 bị hại trong vụ án cũng có đơn cho rằng việc xét xử của tòa án không đúng, đồng thời đề nghị minh oan cho 3 bị cáo. Vì sao lại có chuyện hy hữu này?
 
Nội dung vụ án
 
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Bắc Giang về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất đối với những trường hợp có vướng mắc, tồn tại trước ngày 1/1/2012 cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, UBND huyện Lục Nam và UBND xã Bảo Sơn đã xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện. Ngày 28/8/2012, UBND xã Bảo Sơn có quyết định thành lập “Tổ tư vấn xét cấp Giấy CNQSD đất” gồm 8 thành viên là cán bộ xã và các trưởng thôn. Ngày 2/9/2012, ông Bùi Đình Sóng là trưởng thôn Tân Sơn đã tổ chức cuộc họp dân chính thôn để bàn việc triển khai quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang, rà soát đối với những trường hợp đất đai được HTX Tân Sơn bán trái thẩm quyền từ năm 1993 nhưng chưa được cấp Giấy CNQSD đất. Tại cuộc họp, ông Sóng chỉ đạo thành lập Tổ tư vấn xét cấp Giấy CNQSD đất của thôn (sau đây gọi là Tổ tư vấn sổ đỏ) và chỉ định ông Nguyễn Tiến Nết (Phó trưởng thôn) làm tổ trưởng, ông Nguyễn Văn Hải, Đỗ Văn Khiêm (xã viên) làm tổ viên. Mục đích thành lập Tổ tư vấn sổ đỏ là để giúp trưởng thôn thống kê, rà soát đất đai của các hộ có nhu cầu cấp Giấy CNQSD đất trình cấp có thẩm quyền.

 

Đơm
Biên bản ghi lời khai.
 
Theo kết quả rà soát, tại thôn Tân Sơn có 74 hộ có đất do HTX Tân Sơn bán trái thẩm quyền trong các năm 1993 và 2011. Trong quá trình triển khai, vì thôn không có kinh phí để thực hiện nên lãnh đạo thôn đã nhất trí vận động các hộ tự nguyện đóng góp tiền để thực hiện các thủ tục cấp Giấy CNQSD đất và tạo nguồn kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn. Sau đó, trong quá trình triển khai công việc, Tổ tư vấn sổ đỏ đã thu của 68 hộ dân có nhu cầu cấp Giấy CNQSD đất với tổng số tiền 958,5 triệu đồng. 
 
Cũng trong thời gian này, 3 hộ gồm các bà Phạm Thị Chanh, Nguyễn Thị Nhật, Nguyễn Thị Hường là những hộ mua đất tại vị trí ven làng năm 1993 có đơn xin được đổi đất vào vị trí thuận lợi hơn để cùng được cấp Giấy CNQSD đất trong đợt này. Được thôn đồng ý cho đổi đất vào khu nhà văn hóa cũ theo đúng nguyện vọng, 3 hộ này đã tự nguyện đóng góp tổng số tiền 616,8 triệu đồng (lấy số tròn) để thôn xây dựng các công trình phúc lợi. 
 
Công tác rà soát cấp Giấy CNQSD đất đã được thôn Tân Sơn thực hiện theo đúng quy trình, tiến độ; kết quả đến tháng 3/2013 cả 74 hộ có đơn đề nghị đã được UBND huyện Lục Nam cấp Giấy CNQSD đất và giấy này đã được trả về các hộ ngay sau đó.
 
Vụ việc tưởng chừng kết thúc ở đây nhưng theo quan điểm của các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Bắc Giang, các ông Bùi Đình Sóng, Nguyễn Tiến Nết, Đỗ Văn Khiêm đã có hành vi phạm tội khi thành lập Tổ tư vấn sổ đỏ khi các cấp của tỉnh Bắc Giang không có văn bản chỉ đạo nào về việc thành lập tổ này ở cấp thôn; bên cạnh đó các bị cáo đã thu tiền, giao đất trái quy định.
 
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng?
 
Theo quan điểm của TAND tỉnh Bắc Giang, “thiệt hại mà cả 2 bị cáo Bùi Đình Sóng, Nguyễn Tiến Nết thực hiện là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại mà bị cáo Đỗ Văn Khiêm thực hiện là gây hậu quả rất nghiêm trọng” do đó, Tòa án đã truy tố và xét xử cả 3 bị cáo tại Khoản 3 Điều 282 Bộ Luật Hình sự.

 

ssow
Bản danh sách chữ ký của các hộ dân.
 
Ở đây câu hỏi đặt ra là: Ai bị thiệt hại? Thiệt hại ở mức độ nào? Hành vi của các bị cáo có gây hậu quả “đặc biệt nghiêm trọng” hay không?
 
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, trong vụ án này không có bị hại bởi những người mà các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh Bắc Giang cho là “bị hại” đều không thừa nhận tư cách này khi tham gia tố tụng. Minh chứng là ngày 7/9/2015, tất cả 63 hộ dân có tên trong danh sách bị hại trong vụ án đã có đơn đề nghị xem xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án số 39/2015/HSST ngày 27/8/2015 của TAND tỉnh Bắc Giang. Theo đó, 63 hộ dân phủ nhận tư cách bị hại, ngược lại còn cho rằng họ chính là người được hưởng lợi từ những hành vi của bị cáo và đề nghị xem xét minh oan cho họ.
 
Ở góc độ khác, theo kết luận điều tra của cơ quan công an, trong vụ việc này không có đơn tố giác tội phạm, không có khiếu nại của tổ chức, công dân về thiệt hại xảy ra. Việc phát hiện tội phạm của cơ quan công an chỉ thông qua công tác nắm tình hình và thông tin phản ánh của nhân dân về việc Ban lãnh đạo thôn Tân Sơn thành lập Tổ tư vấn sổ đỏ và trong quá trình thực hiện có thu tiền của người dân.
 
Thế nhưng, trong việc thu tiền này của Tổ tư vấn, nhiều bút lục trong hồ sơ vụ án đã thể hiện các hộ dân nộp tiền cho thôn là hoàn toàn tự nguyện. Khi cơ quan điều tra đã vào cuộc, họ cũng không có yêu cầu được hoàn trả, dù số tiền họ phải nộp lên đến hàng trăm triệu đồng (thể hiện trong các biên bản ghi lời khai của bà Phạm Thị Chanh, Phạm Thị Xuyên). Trong đơn đề ngày 4/7/2015 và 20/8/2015 với chữ ký của 63 hộ dân thôn Tân Sơn, các hộ này cũng cho biết họ nộp tiền là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc.
 
Không có tư lợi
 
 
 
Trong bản Kết luận điều tra của cơ quan công an thể hiện rõ, số tiền mà Ban lãnh đạo thôn Tân Sơn và Tổ tư vấn thu từ việc làm Giấy CNQSD đất cho 68 hộ là 958,5 triệu đồng. Số tiền này đã dùng để chi cho các công việc liên quan đến thủ tục cấp sổ đỏ là hơn 444 triệu đồng, còn lại 514,5 triệu đồng đã được đưa về thôn để chi vào việc xây dựng nhà văn hóa thôn. Việc xây dựng nhà văn hóa thôn hết 682,5 triệu đồng, mặc dù đã được huyện và xã hỗ trợ 150 triệu đồng nhưng số tiền thu từ các hộ còn lại vẫn không đủ chi. Phần thiếu hụt là 18 triệu đồng, Ban lãnh đạo thôn Tân Sơn phải trích từ các nguồn thu khác để cân đối, bù trừ. 
 
Tương tự, số thu từ việc tự nguyện nộp tiền của 3 hộ Phạm Thị Chanh, Nguyễn Thị Nhật, Nguyễn Thị Hường được 616,8 triệu đồng cũng được nhập về quỹ thôn và sau đó được sử dụng để xây dựng đường bê tông nội thôn. Tổng số chi cho việc xây dựng đường bê tông cũng cao hơn số tiền thu được và lãnh đạo thôn Tân Sơn cũng phải trích từ các nguồn thu khác để cân đối.
 
Như vậy, toàn bộ số tiền thu được là 1.575.333.000 đồng đã được Ban lãnh đạo thôn Tân Sơn hạch toán minh bạch, không để xảy ra thất thoát, không có việc tham ô; những cá nhân được giao nhiệm vụ thu và quản lý tiền đều không có hành vi vụ lợi.
 
Trong phần tranh tụng tại phiên tòa, phía “nguyên đơn dân sự” là UBND huyện Lục Nam và UBND xã Bảo Sơn cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều không có ý kiến gì; thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra không rõ ràng (như trên đã phân tích). Tuy nhiên, TAND tỉnh Bắc Giang vẫn nhận định “hành vi phạm tội của các bị cáo là hành vi nguy hiểm cho xã hội”, “gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích của người dân đã nộp tiền được xét cấp Giấy CNQSD đất”. Dựa trên nhận định này, TAND tỉnh Bắc Giang đã truy tố và xét xử các bị cáo ở Khoản 3 Điều 282 Bộ Luật Hình sự thay vì Khoản 2 như Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang.
 
Bình luận về điều này, Luật sư Nguyễn Xuân Toán (Đoàn Luật sư Hà Nội) nói: “Hành vi thành lập Tổ tư vấn để thuận lợi cho giải quyết công việc của Nhà nước và việc có thu tiền do người dân tự nguyện nộp, không có tham ô, tham nhũng… thì việc các cơ quan tố tụng coi đó là hành vi phạm tội đã là không thỏa đáng. Nhưng ở đây, TAND tỉnh Bắc Giang còn truy tố và xét xử các bị cáo ở mức “kịch khung” với hình phạt có thể lên đến 20 năm tù là có sai lầm lớn trong cách giải quyết vụ án”.
 
Được biết, hiện nay vụ án đang được Tòa án cấp cao tại Hà Nội thụ lý theo trình tự phúc thẩm. Với những chứng cứ buộc tội còn non yếu thể hiện trong hồ sơ vụ áno, mong rằng Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm sẽ xem xét thấu đáo vụ việc, từ đó có những phán quyết hợp lý, hợp tình để tránh những oan sai đáng tiếc./.
Minh Châu
 
.