(BVPL) - Theo lãnh đạo Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 1C) VKSNDTC thì trong thời gian qua, tội phạm ma túy tại Việt Nam được phát hiện hầu hết ở các địa bàn trong cả nước từ thành phố đến nông thôn, biên giới, hải đảo và lan rộng đến vùng núi cao, khu vực rừng sâu. Đặc biệt tại các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Campuchia do ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động phạm tội ma túy ở các nước trong khu vực, nhất là khu vực “Tam giác vàng” đã làm cho tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, hình thành nhiều tuyến, đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam.

Chống trả quyết liệt khi bị phát hiện

Tại tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tội phạm về ma tuý diễn biến phức tạp tại 10 tỉnh giáp biên giới gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Kon Tum. Nhiều tụ điểm trung chuyển, mua bán, vận chuyển ma túy với các nhóm đối tượng người Lào, người Việt Nam có vũ trang cấu kết chặt chẽ ở khu vực trong và ngoài biên giới để đưa ma túy vào Việt Nam tiêu thụ với số tượng lớn. Cùng với đó, một số nhóm đối tượng hoạt động mang tính chuyên nghiệp, hình thành các tụ điểm ma túy phức tạp ngay sát biên giới như Thanh Hoá, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên... tổ chức chặt chẽ việc vận chuyển ma túy, trang bị và sử dụng vũ khí nóng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện hoặc tự sát để bịt đầu mối. Cụ thể, ngày 03/4/2013, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tỉnh Hòa Bình phát hiện và bắt quả tang Đỗ Huy Hoàng, Phạm Đông, Đặng Việt Dũng, Nguyễn Công Thu, đều trú tại Hà Nội đang vận chuyển trái phép chất ma túy trên 02 xe ô tô. Tổ công tác ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra, các đối tượng không chấp hành hiệu lệnh, tăng ga bỏ chạy, chống đối quyết liệt, buộc lực lượng bắt giữ phải nổ súng. Ngày 19/7/2014, Phòng PC47 Công an tỉnh Sơn La phối hợp Cục C47, Bộ Công an tổ chức triển khai mật phục tại khu vực thung lũng xã Vân Hồ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La phát hiện 25 đối tượng đang đi từ hướng biên giới vào Việt Nam có trang bị vũ khí quân dụng và đeo ba lô. Tổ công tác kêu gọi đầu hàng thì các đối tượng nổ súng chống trả quyết liệt nên Tổ công tác đã nổ súng ngăn chặn. Kết quả đã thu giữ 108 bánh heroin; 02 khẩu súng tiểu liên AK; 02 khẩu súng kabin; 01 khẩu súng ngắn; 92 viên đạn các loại và một số tang vật khác...

 

 Bốn đối tượng là vợ chồng bị bắt giữ trong một đường dây buôn ma túy từ Lào về Việt Nam. Ảnh: CTV
Bốn đối tượng là vợ chồng bị bắt giữ trong một đường dây buôn ma túy từ Lào về Việt Nam. Ảnh: CTV


Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp cả hai chiều, ma túy tổng hợp, tân dược gây nghiện được vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam, ngược lại, hêrôin, thuốc phiện được đưa từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tại tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia chủ yếu mua bán, vận chuyển hêrôin, ma tuý tổng hợp từ Campuchia vào Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Tịnh Biên (An Giang) và Xà Xía (Kiên Giang) về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. Đối với tuyến hàng không và bưu điện, các đối tượng vận chuyển ma túy thường nghiền ma túy, ép vào bưu phẩm gửi qua đường chuyển phát nhanh hoặc cho ma tuý thường lẫn vào hàng hoá, giấu vào cơ thể người; ép chặt vào vali; đóng vào vỏ bao matxa; hộp nước uống... vận chuyển qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất với số lượng đặc biệt lớn. Cùng với đó, hành vi sản xuất trái phép chất ma túy vẫn xảy ra và có những diễn biến phức tạp, đáng chú ý là vụ Lục Gia Khánh, trú tại quận 5, TP. Hồ Chí Minh cùng 16 đối tượng (chủ yếu là người trong gia đình) có hành vi sản xuất hơn 100 kg ma túy tổng hợp tại tỉnh Long An...

Cần sự chung tay

Theo lãnh đạo Vụ 1C VKSNDTC thì trong thời gian tới, để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, các lực lượng phòng, chống ma túy của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với lực lượng phòng, chống ma túy của các nước bạn. Hàng quý, tổ chức giao ban để trao đổi kinh nghiệm ở các cấp, nhất là cấp huyện khu vực biên giới. Thường xuyên thông báo cho nhau thông tin về tình hình, cũng như thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy tại khu vực biên giới; nghiên cứu, đề xuất đơn giản hoá các thủ tục qua lại biên giới cho lực lượng chuyên trách phòng, chống ma tuý khi có yêu cầu trực tiếp vào sâu trong nội địa của mỗi bên phục vụ công tác điều tra, truy bắt, xử lý tội phạm ma tuý; sớm nghiên cứu, tổ chức ký kết Quy chế phối hợp trên phạm vi toàn quốc giữa Viện kiểm sát với Công an, Biên phòng, Hải quan về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, trong đó cần quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan trong công tác này. VKSNDTC cần ban hành hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp trong việc giải quyết các yêu cầu về tương trợ tư pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc ở các xã, khu vực biên giới để nhân dân biết về tác hại nguy hiểm của tội phạm ma tuý từ đó tích cực tham gia phòng, chống ma tuý.

Bên cạnh đó cần đề xuất với Chính phủ các nước có chung đường biên giới tổ chức sơ kết việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp để rà soát, đối chiếu làm cơ sở sửa đổi, bổ sung Hiệp định cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tham mưu xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các Hiệp định, Nghị định, biên bản ghi nhớ tạo cơ sở pháp lý cho công tác trao đổi thông tin, phối hợp trong điều tra, bắt giữ, dẫn giải đối tượng phạm tội, đối tượng truy nã; thu giữ, trao đổi tang vật chứng và các tài liệu liên quan; chủ động thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp thông qua cơ quan Trung ương đầu mối để kịp thời xác minh tiền án, tiền sự của bị can ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đảm bảo cho việc xử lý vụ án đúng thời hạn luật định; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm và thông tin về công tác phòng, chống tội phạm ma túy cho cán bộ Viện kiểm sát để nâng cao trình độ nghiệp vụ, nhất là tìm hiểu học tập về pháp luật phòng, chống ma tuý của mỗi bên; tổ chức tập huấn liên ngành về Luật tương trợ tư pháp cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán ở các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc để thống nhất về nhận thức và tổ chức thực hiện pháp luật; tăng cường đào tạo ngoại ngữ, nhất là tiếng địa phương cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, đặc biệt là cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các địa phương có chung đường biên giới với Việt Nam…
 

P.V

.