(BVPL) - Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 127 Trung ương, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý gần 830.000 vụ vi phạm; trong đó có gần 118.000 vụ buôn lậu, chiếm trên 14%. Hàng lậu, hàng giả tràn vào Việt Nam thuộc đủ mọi chủng loại, lĩnh vực…Đáng nói là các loại hàng thực phẩm kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế- xã hội và sức khỏe người dân Việt Nam.

 


Tuy nhiên, tại buổi giải trình về “Thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng...” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức đầu tháng 1/2014, các đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay, các lực lượng chức năng xử lý buôn lậu quả biên giới chủ yếu chỉ tập trung vào những người làm thuê, mang vác hàng qua biên giới mà chưa tập trung xử lý các đầu nậu, những người cầm đầu đường dây buôn lậu. Còn đại biểu Nguyễn Thế Trường, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc thì cho hay, hiện chúng ta có tới 5 cơ quan có thẩm quyền xử phạt hàng giả, hàng lậu nhưng hoạt động lại rời rạc, chức năng nhiệm vụ chồng chéo.

Thừa nhận có tiêu cực trong các lực lượng chống buôn lậu, quản lý thị trường song Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định, đó chỉ là thiểu số, nguyên nhân lớn là lực lượng quản lý thị trường quá mỏng, bình quân chưa tới 100 người mỗi tỉnh, thậm chí nhiều tỉnh chỉ có 50 - 60 người, rất mỏng so với yêu cầu phức tạp của mặt trận này.

Ngoài ra, theo Trung tướng Nguyễn Tiến Lực (Phó tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống tội phạm, Bộ Công an), công tác xử lý hiện gặp một số khó khăn  do quy định pháp lý chưa đủ sức răn đe khi chỉ xử phạt người buôn bán hàng lậu từ 300.000 đến 10 triệu đồng, không tương xứng với giá trị hàng chục tỷ đồng của lô hàng. Hơn nữa, để xử lý hình sự các đầu nậu cũng rất khó khi phải chứng minh lô hàng được buôn lậu qua biên giới. Trong khi đó, các chủ hàng bị bắt đều khai là hàng hóa mua gom ở chợ qua từng người dân biên giới (theo quy định, người dân vùng biên được mua 2 triệu đồng hàng hóa mỗi ngày bên kia biên giới).

Trước những tác động tiêu cực của tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Trong đó, chú ý các mặt hàng như: Pháo nổ, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, động vật quý hiếm...

Đáng lưu ý, Công điện cũng nêu rõ có biện pháp xử lý kiên quyết (cách chức, điều chuyển, loại ra khỏi ngành) đối với cá nhân có biểu hiện tiếp tay hoặc làm ngơ để hoạt động buôn lậu diễn ra trên địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 185/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, từ ngày 1/1/2014, cá nhân thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, vi phạm này của tổ chức sẽ bị phạt đến 400 triệu đồng.

Một văn bản hết sức quan trọng, đó là Nghị định 178 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với cá nhân là 100 triệu đồng và 200 triệu đồng đối với tổ chức, doanh nghiệp. Mức phạt này cao gấp nhiều lần so với Nghị định 91 được ban hành trước đó. Đặc biệt, đối với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng, Nghị định không quy định mức tiền phạt tối đa mà theo giá trị hàng hóa vi phạm và có thể lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Theo đánh giá, mức phạt này nhằm bảo đảm đủ sức răn đe, buộc người cố tình vi phạm phải chấm dứt vi phạm, thậm chí đóng cửa cơ sở. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cơ quan pháp luật để điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới đang có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ để trình ra những giải pháp căn cơ, phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương để tạo chuyển biến trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian tới.
 

Vĩnh Hoàng

.