(BVPL) - Được quảng cáo là có độ ngọt gấp 600 lần vị ngọt của đường tự nhiên, chất tạo ngọt nhân tạo Sucralose đang được rất nhiều người lựa chọn để pha chế thực phẩm thay cho đường và mì chính. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cho biết, loại chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư máu và tiểu đường nếu người tiêu dùng lạm dụng.

 


Được biết, tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), các mặt hàng này khá phổ biến nhưng không bày bán công khai mà chỉ dành bán cho khách quen. Tại một cửa hàng bán phụ gia trong chợ, sau khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua loại đường nhân tạo giống như viên B1 để sử dụng cho nước phở bán hàng ăn buổi sáng thì một chị bán hàng cho chúng tôi xem một túi màu trắng kèm lời giới thiệu: chỉ cần 1 viên cho vào 1 lít nước là có độ ngọt như mong muốn, loại đường này to bằng hạt đỗ, màu trắng. Loại này có giá 190.000 đồng/kg, được sử dụng trong chế biến thực phẩm như nước dùng, nước xốt… Đặc biệt, nó có khả năng làm ngọt ngon như nước thịt, nước xương mà không cần cho mì chính.

Theo khảo sát của chúng tôi thì hiện trên thị trường xuất hiện khá nhiều loại đường hóa học với đủ mức giá khác nhau từ vài chục nghìn đồng đến vài triệu đồng mỗi ki-lô-gam. Tùy theo tính chất mà mỗi loại đường nhân tạo này có thể thay thế cho đường cát hoặc mì chính…


Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của loại đường này thì đại đa số các chủ cửa hàng đều nói rằng họ nhập theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về, sau đó chia lẻ ra để bán cho người tiêu dùng. Và tất nhiên không phải ai muốn mua trực tiếp là có thể mua được. Hiện nay, trên thị trường loại đường này chủ yếu được rao bán trên mạng và được vận chuyển theo đường bưu điện đến tay người mua.

Lạm dụng dễ mắc bệnh ung thư

Nói về loại đường này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y học cho biết: Mặc dù được sản xuất từ đường nhưng Sucalose không phải là đường. Sucralose được phát hiện khi người ta đang nghiên cứu tạo ra một loại thuốc trừ sâu mới. Nó có thể bắt đầu từ đường nhưng sản phẩm cuối cùng là một hợp chất hoàn toàn khác đường. Thành phần chính của Sucralose có trong Splenda, một loại đường dành cho người ăn kiêng. Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng Splenda đã gây ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc ở loài chuột.

Cũng theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Splenda là sản phẩm có chứa chất làm ngọt nhân tạo Sucralose trong thành phần. Sucralose không chứa calo, nhưng bởi vì nó ngọt hơn đường 600 lần, do đó chỉ cần một lượng rất nhỏ đã đạt được vị ngọt mong muốn. Trên các trang web bán sản phẩm Splenda đều ghi một dòng chữ nhỏ “mặc dù Sucralose có cấu trúc và hương vị như đường, nhưng nó không phải là tự nhiên".

Về vấn đề này, dược sĩ Bùi thị Hương Thảo, giảng viên trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ: Loại đường ít năng lượng này không tạo ra cấu trúc keo dính và màu caramen đẹp như đường kính thông thường. Tuy nhiên, cũng như các chất tạo ngọt tổng hợp khác, không nên thay thế hoàn toàn lượng đường trong công thức nấu ăn dựa trên các đặc tính này, liều lượng được khuyến cáo của nó là 9mg/kg cân nặng/ngày". Dược sĩ Hương cũng khuyến cáo, nên hạn chế sử dụng đường sucralose lượng lớn, chúng có thể gây ra vấn đề tiêu hóa (đầy hơi, tiêu chảy, buồn nôn), kích ứng da (phát ban, nổi mề đay, mẩn đỏ, ngứa, sưng tấy), thở khò khè, ho, chảy nước mũi, đau ngực, đánh trống ngực, lo lắng, giận dữ, trầm cảm và ngứa mắt.

Trong khi đó, theo Quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 31/8/2001 thì đường hóa học và một số loại đường nhân tạo hiện đang được bán không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.
 

Hữu Bắc

.