Tổng cục hải quan vừa yêu cầu 11 Cục Hải quan địa phương, nơi có các sân bay quốc tế phải tăng cường quản lý rủi ro đối với hành lý của phi hành đoàn phục vụ trên các chuyến bay quốc tế đến/đi từ Việt Nam để ngăn chặn tình trạng buôn lậu trong ngành hàng không.
 
Cụ thể, 11 Cục Hải quan tổ chức thu thập, xử lý thông tin, phân tích lựa chọn đối tượng trọng điểm. Kiểm tra, giám sát việc áp dụng chế độ tiêu chuẩn định mức miễn thuế đối với thành viên phi hành đoàn để phòng ngừa, phát hiện hành vi lợi dụng nhằm trốn thuế khi vận chuyển hành lý từ Việt Nam đi quốc tế và từ các nước về Việt Nam.
 
Nhân viên phi hành đoàn và tiếp viên sắp tới sẽ bị siết chặt điều kiện miễn thuế với hành lý (ảnh minh hoạ)
Nhân viên phi hành đoàn và tiếp viên sắp tới sẽ bị siết chặt điều kiện miễn thuế với hành lý (ảnh minh hoạ)
 
Đồng thời, Hải quan sân bay và Hải quan địa phương phải thực hiện thu thập các thông tin trên hệ thống dữ liệu chuyến bay (API), hồ sơ nhập cảnh của nhân viên phi hành đoàn, thông tin phi hành đoàn đã được hưởng định mức miễn phí để cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
 
Dựa trên dữ liệu của API, cơ quan Hải quan có thể đưa ra các cảnh bảo rủi ro về chuyến bay, hành khách như nguy cơ về buôn lậu hàng hóa, gian lận thuế... Bên cạnh đó, có thể kiểm soát chế độ tiêu chuẩn định mức miễn thuế đối với phi công, tiếp viên đi làm nhiệm vụ.
 
Trên thực tế, theo quy định Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ, phi công, tiếp viên phục vụ trên các chuyến bay sau 90 sẽ được hưởng 1 lần định mức hành lý miễn thuế. Trong các hành lý được miễn thuế theo định mức bao gồm nhiều loại rượu ngoại, thuốc lá điếu và xì gà...
 
Việc buôn lậu, lợi dụng miễn thuế trong hàng không đã diễn ra trong nhiều năm qua, trong đó tháng 3/2017 trường hợp tiếp viên hàng không bị phát hiện vận chuyển 90.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) từ Hàn Quốc về Việt Nam, bị Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện.
 
Ngoài ra, việc tiếp viên hàng không, phi hành đoàn buôn lậu đã trở thành nhức nhối trong ngành hàng không. Đặc biệt, việc vận chuyển hàng xách tay về bán diễn ra thường xuyên, đặc biệt các vật phẩm đồ ngoại như: sữa ngoại nhập, thực phẩm chức năng... điều này không chỉ phục vụ lợi ích cho một số đối tượng mà còn là cơ hội kinh doanh cho những đối tượng vụ lợi, ảnh hưởng đến các hãng hàng không và thể diện quốc gia.
 
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí
.