Gần đây, trên địa bàn tỉnh có một số đối tượng giả danh cán bộ làm việc trên tỉnh, thành phố  về các khu vực nông thôn để lừa đảo, lợi dụng sơ hở để trộm cắp tài sản của người dân. Đối tượng mà chúng nhắm đến là những người neo đơn, tuổi già sức yếu để dễ dàng hành động.

 


Bà Nguyễn Thị Nhang, trú tại tổ 10, ấp Đông, xã Long Phước (TP.Bà Rịa) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc bị lừa lấy vòng vàng, bông đeo tai: Khoảng 11 giờ ngày 5-12-2013, bà Nhang đang ngồi giặt quần áo ở sau nhà thì có 2 người phụ nữ khoảng 30 tuổi, tự xưng là cán bộ trên tỉnh xuống để tìm hiểu về hoàn cảnh của những người già neo đơn. Để tạo niềm tin, họ hỏi han bà Nhang nhiều thông tin như: Cuộc sống của bà có khó khăn không, có bao nhiêu người con, bà sống với người con nào, trước đây tham gia cách mạng không, tham gia ở đâu, hiện bà có được hưởng chế độ chính sách gì không?…

Sau khi nắm được thông tin, hai phụ nữ này đề nghị chụp ảnh để giúp bà Nhang làm hồ sơ hưởng trợ cấp của Nhà nước hàng tháng. Bà Nhang vui vẻ đồng ý và làm theo các yêu cầu của họ. Hai đối tượng này yêu cầu bà Nhang tháo vòng vàng ở tay, cổ và tai xuống để chụp hình. Không nghi ngờ gì, bà Nhang cởi vòng vàng ra bỏ vào túi áo. Ngay lập tức, người phụ nữ đang cầm máy điện thoại di động chụp hình yêu cầu bà Nhang vào nhà thay chiếc áo khác. Bà Nhang vào buồng thay áo mới, để chiếc áo cũ cùng vòng vàng tại buồng và vội vàng ra ngoài chụp hình. Trong lúc một người chụp hình, người còn lại nhanh chóng lẻn vào lấy trộm đôi bông tai và chiếc lắc vàng 18K, trị giá gần 4 triệu đồng bà Nhang để trong túi áo. “Lúc họ vừa đi khỏi, tôi vào buồng kiểm tra thì không thấy lắc vàng và bông tai đâu mới biết mình bị lừa. Chạy ra cổng tri hô thì chúng đã nhanh chân tẩu thoát” - bà Nhang bực tức nói.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, 70 tuổi, trú tại khu phố Long Phượng (thị trấn Long Điền) lại bi đát hơn khi số tiền 20 triệu đồng bà dành dụm để an hưởng tuổi già đã bị 2 kẻ giả danh cán bộ trộm mất. Nắm được thông tin bà Nguyệt sống một mình không có con cái, hai người phụ nữ lạ mặt vào nhà và tự xưng là cán bộ nhà nước ở thành phố về tìm hiểu đời sống của người già neo đơn. Cũng với chiêu bài cũ, chúng hỏi han bà Nguyệt những thông tin cá nhân và hứa sẽ xem xét hỗ trợ 700 ngàn đồng/tháng, đồng thời yêu cầu được quay phim, chụp hình. Chúng còn hỏi bà Nguyệt có tiền hay vàng không đưa ra để quay phim chụp hình. Tin người, bà Nguyệt đã làm theo đúng yêu cầu của chúng, đưa bọc tiền 20 triệu đồng ra để quay phim. Sau đó chúng lừa bà Nguyệt vào buồng thay áo mới để chụp hình, và lợi dụng lúc bà vào buồng chúng tranh thủ tráo số tiền 20 triệu đồng bằng tập vé số cũ bọc lại đưa cho bà. Khi chúng đi khỏi, bà Nguyệt kiểm tra mới phát hiện bọc tiền đã “biến” thành vé số. “Ốm đau triền miên, không làm lụng được nhiều, dành được ít tiền để lo tuổi già nay bị chúng lừa mất, đã khổ nay lại càng khốn khổ hơn!” - bà Nguyệt nói trong nước mắt.

Qua hai sự việc trên, có thể thấy hành vi lừa đảo của những kẻ giả danh rất tinh vi và tàn nhẫn, đối tượng chúng nhắm đến chủ yếu là những người già neo đơn. Để không bị mắc bẫy, mất tiền oan, người dân cần đề cao cảnh giác với những người lạ mặt, nhất là các đối tượng không được sự giới thiệu hay hướng dẫn của cán bộ địa phương. Các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để nhanh chóng tìm ra các đối tượng lừa đảo, để xử lý thích đáng.
 

Theo Báo Bà Rịa Vũng Tàu

.