Sáng 25/7, Công an TP Bảo Lộc cho biết, đơn vị đang huy động lực lượng tiến hành điều tra, làm rõ một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao (bằng điện thoại kết hợp công nghệ thông tin và mạo danh cán bộ công an) vừa xảy ra trên địa bàn. Nạn nhân của vụ lừa đảo là bà Phạm Thị Hường (58 tuổi, ngụ phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc).

 

 

Liên quan đến vụ việc, vào sáng 21/7, có một số đối tượng gọi điện thoại cho bà Phạm Thị Hường và xưng là cán bộ của Công an tỉnh Đồng Nai. Bà Hường kể lại: “Lúc đó khoảng 9 giờ ngày 21/7, một người phụ nữ gọi điện thoại cho tôi và xưng là cán bộ đang làm việc tại Công an tỉnh Đồng Nai. Trong lúc nói chuyện, người này đọc rõ ngày, tháng, năm sinh và quê quán cũng như chỗ ở hiện tại của tôi. Sau đó, người này bảo, tôi có dính líu đến một đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền quy mô lớn rồi yêu cầu tôi hợp tác để điều tra không thì sẽ bị bắt khẩn cấp vào lúc 11 giờ cùng ngày. Thấy họ xưng là công an lại nắm rõ lai lịch, tên tuổi của mình nên tôi rất sợ. Tôi bảo với họ rằng tôi có làm gì sai pháp luật đâu, nhưng họ cứ nằng nặc khẳng định tôi có liên quan và yêu cầu hợp tác điều ra. Sau đó, người này yêu cầu tôi nói chuyện với một người khác xưng là Trung tá Trần Hữu Bình, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Đồng Nai). Trong lúc nói chuyện, người đàn ông này tiếp tục khẳng định tôi có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền nói trên.

 

Bà Phạm Thị Hường cho biết thêm: “Người đàn ông tự xưng là Trung tá Trần Hữu Bình nói với tôi, đường dây buôn bán ma túy và rửa tiền có liên quan đến 2 cán bộ Ngân hàng TMCP Sacombank (Chi nhánh TP Bảo Lộc). Qua kiểm tra của Công an tỉnh Đồng Nai tại Ngân hàng Agribank phát hiện trong tài khoản (TK) của tôi đang có hơn 3 tỷ đồng và yêu cầu tôi rút ra gửi vào một số TK của một điều tra viên mang tên Phạm Minh Dưỡng được mở tại Ngân hàng Sacombank để phục vụ công tác điều tra, truy bắt các đối tượng. Song tôi bảo với họ, trong TK của tôi chỉ có 500 triệu đồng, còn số tiền 3 tỷ đồng là hoàn toàn không có. Và, họ yêu cầu tôi ra rút gửi vào số TK mà họ đã gửi cho tôi. Người đàn ông này còn yêu cầu tôi không được báo cho ai, kể cả người thân vì đây là chuyện “cơ mật”. Ông này khẳng định: “Chị cứ yên tâm gửi 500 triệu đồng vào TK đi, chúng tôi là người của cơ quan công an nên tiền của chị sẽ được bảo đảm không mất đồng nào. Khi đi gửi tiền, chị phải bật điện thoại để chúng tôi giám sát không sẽ bị lộ “cơ mật”. Thấy họ nói vậy, tôi tin tưởng và đồng ý đi rút tiền ở Ngân hàng Agribank rồi đưa qua Ngân hàng Sacombank gửi vào TK mà họ gửi cho mình. Trước và sau khi tôi gửi tiền cho họ, những người này gọi cho tôi đến gần 20 cuộc điện thoại, mỗi lần một số (vừa số điện thoại bàn và di động)” - bà Hường cho biết.

Bà Hường cho biết thêm, sau khi gửi 500 triệu đồng qua TK cho những người này, thấy họ vẫn liên tục gọi điện để hỏi mọi hành động của tôi nên tôi nghĩ mình đã bị lừa. Ngay sau đó, tôi kể lại câu chuyện với chồng mình rồi tới Công an TP Bảo Lộc trình báo vụ việc.

Theo Thiếu tá Trần Minh Hoạt, Phó Đội Điều tra tổng hợp Công an TP Bảo Lộc cho biết: Qua xác minh, Công an TP phát hiện các đối tượng trên đã mạo danh cán bộ Công an Đồng Nai và dùng các thủ đoạn công nghệ cao hết sức tinh vi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Qua kiểm tra, số tiền 500 triệu đồng được bà Hường gửi vào số TK mang tên Phạm Minh Dưỡng là có thật. Hiện, số tiền này đã bị các đối tượng rút mất 100 triệu đồng. Để phục vụ công tác điều tra, cơ quan Công an đã có công văn gửi Ngân hàng Sacombank (Chi nhánh Bảo Lộc) và yêu cầu niêm phong TK này. Cũng theo Thiếu tá Hoạt, đây là vụ lừa đảo, chiếm đoạt có áp dụng công nghệ cao đầu tiên xảy ra trên địa bàn TP Bảo Lộc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đó khoảng một tháng, một người dân tại đường Quang Trung (phường 2, TP Bảo Lộc) cũng bị các đối tượng lừa đảo gọi điện đe dọa với thủ đoạn tương tự. Song, người này đã biết được âm mưu của các đối tượng lừa đảo và ra trình báo cơ quan chức năng. Hiện, vụ việc đang được Công an TP Bảo Lộc tiếp tục thu thập thông tin điều tra làm rõ. Qua đây, Công an TP Bảo Lộc cũng khuyến cáo, tất cả mọi người dân cần đề phòng cảnh giác thủ đoạn lừa đảo tinh vi, xảo quyệt tương tự của các đối tượng. Khi phát hiện các vụ việc tương tự, cần trình báo cơ quan công an gần nhất để xác minh làm rõ tránh mắc mưu, “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.                 

 

Theo Báo Lâm Đồng

.