leftcenterrightdel
 Luật sư Diệp Năng Bình.

Về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) có ý kiến như sau:

Báo tin giả đến Công an hay các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ làm nhiễu loạn thông tin, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chức năng và cho người thi hành công vụ. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra tương đối phổ biến và có chiều hướng gia tăng.

Nhiều trường hợp người dân báo tin giả hay còn gọi là trình báo sai sự thật với cơ quan chức năng. thường gặp nhất là gọi điện thoại trêu đùa đến các đầu số 113, 114 để báo án, báo cháy; báo bị cướp, trộm để che đậy việc làm mất, chiếm đoạt tài sản hoặc tạo lý do để trốn tránh trách nhiệm pháp lý…

Một số trường hợp tự “dựng chuyện” rồi báo tin cho cơ quan chức năng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, hầu hết các đối tượng báo tin giả đều không nghĩ hành vi báo tin giả là vi phạm pháp luật, làm nhiễu loạn thông tin, dễ gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Dù là trường hợp nào và xuất phát từ nguyên nhân gì thì việc báo tin giả hay trình báo sai sự thật với cơ quan Nhà nước đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Nghị định số 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP  quy định:

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau.

b) Báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền

c) Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng.

d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác.

đ) Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng.

e) Để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác.

g) Thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả "đèn trời”.

h) Sách nhiễu, gây phiền hà cho người khác khi bốc vác, chuyên chở, giữ hành lý ở các bến tàu, bến xe, sân bay, bến cảng, ga đường sắt và nơi công cộng khác.

Như vậy, báo thông tin giả đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính; cụ thể bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

Riêng, hành vi “báo cháy giả” sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn rất nhiều. Tại điểm a khoản 3 Điều 40 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng.

 

Lưu Ly