Theo báo cáo của Công an tỉnh, chỉ trong ngày 8-6, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, khiến ba người tử vong tại chỗ và một người bị thương nặng. Nguyên nhân ban đầu được xác định do hầu hết người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đều đã sử dụng rượu, bia nên không làm chủ được tay lái và tự gây tai nạn.
Một ngày 3 người chết vì bia, rượu
Vào lúc 14 giờ ngày 8-6, xe mô tô mang biển số 78C1-067.86 do anh Nguyễn Cao Tài (29 tuổi, quê Phú Yên) điều kiển theo hướng từ TP.Vũng Tàu về TP. Bà Rịa thì bất ngờ tự lao vào dải phân cách, ngã xuống đường. Hậu quả vụ tai nạn khiến anh Tài tử vong tại chỗ.
Đến 18 giờ 10 phút cùng ngày, Nguyễn Phước Thanh Dũng (40 tuổi, ngụ TP. Bà Rịa) điều khiển xe máy đến giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Lê Thành Duy, gần cầu Long Hương (TP. Bà Rịa), thì tự ngã và tử vong. Nguyên nhân vụ tai nạn được xác định do anh Dũng có nhậu trước đó nên không làm chủ được tay lái.
Cuối ngày 8-6, lúc 23 giờ 30 phút tại đường Võ Văn Kiệt, TP.Bà Rịa anh Nguyễn Hà Minh Lễ điều khiển xe máy cũng đã tự tông vào trụ đèn và tử vong. Nguyên nhân ban đầu do trước khi xảy ra tai nạn, anh Lễ có sử dụng rượu bia, không làm chủ được tay lái và tự gây tai nạn.
Theo đánh giá của lực lượng cảnh sát giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia thường dẫn đến tình trạng không làm chủ được bản thân: đi xe lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, tránh, vượt sai quy định, đi sai làn đường, khả năng phán đoán tình huống kém hơn so với lúc bình thường. Các trường hợp kể trên là những vụ điển hình, khi đã uống rượu, bia dẫn đến TNGT thường gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Phải xử phạt nặng!
Ông Nguyễn Xuân Trạch, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, theo thống kê, năm 2013, toàn tỉnh có 19 vụ TNGT do sử dụng rượu, bia được xác định rõ và 55 vụ TNGT nghi ngờ có sử dụng rượu, bia trước khi tham gia giao thông. Trong quý I-2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 213 vụ TNGT và va chạm giao thông khiến 65 người chết và 264 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2013 giảm 85 vụ, 17 người chết và 74 người bị thương. Tuy chưa có thống kê cụ thể số người bị TNGT do rượu, bia nhưng qua phân tích tình trạng TNGT do sử dụng rượu, bia có xu hướng gia tăng hơn so với năm trước.
Cũng theo ông Trạch, công tác xử lý đối với người tham gia giao thông có nồng độ cồn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Để hạn chế TNGT do rượu, bia là một bài toán khó cần có sự phối hợp đồng bộ các biện pháp. Trước hết phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Mỗi người tham gia giao thông cần hiểu rõ được tính nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Từ đó mới cương quyết từ chối uống rượu, bia nếu sau đó phải lái xe. Mọi người chỉ điều khiển phương tiện khi đã đủ tỉnh táo và bảo đảm sức khỏe. Ðối với những người ngồi trên xe thì phải có trách nhiệm nhắc nhở, cũng như phản đối những người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia.
Kế đến là phải tăng cường các biện pháp chế tài: Tăng lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường và thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, tập trung ở những nơi có thể xảy ra nhiều TNGT; Trang bị thiết bị đo nồng độ cồn bảo đảm đạt tiêu chuẩn; Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có độ cồn vượt quá quy định cho phép. “Trong khi ý thức của người dân còn hạn chế thì việc tăng cường các biện pháp chế tài là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giảm thiểu TNGT do rượu, bia”, ông Nguyễn Xuân Trạch khẳng định.
Thứ ba là tăng cường tuyên truyền rộng rãi các quy định về nồng độ rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông (quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe mô-tô, xe gắn máy là không vượt quá 50mg/100ml, hoặc 0,25mg/1lít khí thở và bằng 0 đối với người điều khiển xe ô-tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng). Ðưa tiêu chí “Nói không với rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông” vào một trong những tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức đơn vị tiên tiến.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu