Bằng lái mẫu mới vẫn bị làm giả
Cập nhật lúc 14:41, Thứ ba, 22/07/2014 (GMT+7)
Để tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện và nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đảm bảo an toàn giao thông, các cơ quan chức năng đã siết chặt việc kiểm định phương tiện (nhất là xe tải) và cho lưu hành mẫu giấy phép lái xe (GPLX) mới. (giấy phép, làm giả, bằng lái, lái xe)
Để tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện và nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đảm bảo an toàn giao thông, các cơ quan chức năng đã siết chặt việc kiểm định phương tiện (nhất là xe tải) và cho lưu hành mẫu giấy phép lái xe (GPLX) mới.
Xử lý nghiêm
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải về “tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện” và chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, vi phạm trong hoạt động của các đơn vị đăng kiểm, qua đó góp phần đảm bảo an toàn giao thông, các lực lượng chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông) tại Đồng Nai đã tập trung kiểm tra xử phạt các phương tiện chở hàng quá tải, quá khổ tại trạm kiểm tra tải trọng xe cố định, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, chốt trực tại cầu Hóa An, cầu La Ngà... Qua đó, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hàng chục tỷ đồng đối với các lái xe, chủ phương tiện và tước GPLX hàng ngàn trường hợp.
Các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện nghiêm các quy định trong công tác kiểm định xe cơ giới, cương quyết không cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật cho các xe ô tô không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Nhiều sai phạm tinh vi
Với những biện pháp quyết liệt này, nhiều lái xe, chủ phương tiện đã đối phó bằng cách sử dụng GPLX, sổ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giả. Chỉ trong tháng 6, đầu tháng 7-2014, qua công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông và an toàn giao thông vận tải, Thanh tra Sở Giao thông - vận tải đã phát hiện 20 trường hợp lái xe sử dụng GPLX giả và 3 trường hợp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giả.
Đáng chú ý, số GPLX giả này đều được làm giả theo mẫu GPLX bằng vật liệu PET (nhựa cứng) với công nghệ in ấn, mã hóa thông tin hiện đại, đủ các dấu từ B2 đến FC. Khi xem GPLX giả bằng mắt thường không thể phát hiện được, từ kích cỡ giấy phép, đường hoa văn, dấu chìm, nổi....
Để phát hiện số GPLX giả này, cơ quan chức năng phải sử dụng phương pháp khai thác, tra cứu thông tin GPLX qua cổng thông tin điện tử GPLX từ phần mềm lưu trữ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; khi nhập mã số GPLX giả vào tra cứu thì không có thông tin, hoặc mã số đó là tên của cá nhân khác trên GPLX thật.
Việc phát hiện các sổ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giả cũng rất phức tạp, phải xác minh qua nhiều giai đoạn vì chúng được làm giả rất tinh vi từ màu sắc, nội dung, chữ ký...
Trong thời gian tới, các lực lượng kiểm soát việc sử dụng GPLX (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông) cần có kế hoạch đầu tư trang bị đủ số lượng thiết bị kiểm tra GPLX thủ công, như: kính giải mã, thấu kính, đèn kiểm tra dùng tia cực tím…, nhằm nhanh chóng phát hiện GPLX, sổ kiểm định an toàn kỹ thuật giả ngay khi kiểm tra trực tiếp ngoài hiện trường. Mặt khác, lực lượng chức năng cần ứng dụng rộng rãi máy tính có kết nối internet để phục vụ tra cứu xác thực GPLX, khai thác cơ sở dữ liệu GPLX; cập nhật kịp thời các quyết định tước quyền sử dụng GPLX của đơn vị mình... Những điều kiện này hết sức cần thiết trong công tác phát hiện, ngăn chặn việc sử dụng GPLX giả hiện nay.
Theo Báo Đồng Nai
.