Câu chuyện sẽ được cử tri, báo chí nhắc lại như “hình mẫu”, nhất là khi tới đây, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV (dự kiến khai mạc ngày 21/5/2018), Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó có nội dung “gay cấn” quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực.
Trước khi nói đến cái mới, xin được điểm lại những điều đáng nhớ liên quan đến 3 cán bộ được nhắc ở trên. Đó là, một nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền khi trả lời câu hỏi của báo chí về việc sở hữu nhiều lô đất, nhà và biệt thự đắt tiền, ông đã nói: “Khi đã nghỉ hưu, tôi cũng về làm vườn, lao động đến thối cả móng tay, cực nhọc lắm chứ đâu bở”- (Dân Trí trích lời). Đó là tâm sự của ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, tâm sự với báo chí về số tiền xây ngôi biệt thự “khủng” 2 tầng, diện tích gần 1 ha tại phường Ea Tam là nhờ “chạy xe ôm từ thời trai trẻ...”. Và, trường hợp khó quên liên quan tới ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái được cơ quan chức năng xác định: Khi được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Quý kê khai thiếu 7.905 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp do người vợ đứng tên, không kê khai căn nhà đang xây dựng diện tích xây dựng 600 m2 tại tổ 51 phường Minh Tân...
Những cán bộ kê khai không trung thực, khi bị kiểm tra, thanh tra một cách nghiêm cẩn đã bị điều chuyển công tác, hoặc bị xử lý kỷ luật về mặt hành chính… Tuy nhiên, số cán bộ được kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm rất ít, trừ khi báo chí lên tiếng mạnh mẽ và được người dân ở địa phương, cơ sở dũng cảm tố giác.
Hiện tại, nước ta có hơn 1 triệu đối tượng phải kê khai tài sản, nhưng số được xác minh rất ít và số bị phát hiện thiếu trung thực càng ít. Có bị phát hiện cũng chỉ bị xử lý về hành chính, chính trị, chứ chưa bị xử lý về tài sản. Nói như một chuyên gia pháp luật khi bàn việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản trong Dự thảo sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, đó là: “Chúng ta đang kỳ vọng vào những cái không tưởng…”.
Thay vì ngồi “than” cái sự “không tưởng”, đông đảo người dân và các nhà báo tâm huyết đang hòa vào “phong trào” chống tham nhũng do Đảng lãnh đạo. Trong những ngày qua, báo chí (trong đó có báo Bảo vệ pháp luật) đã phản ảnh việc cử tri đề nghị làm rõ nguồn gốc khối tài sản của giám đốc Công an TP. Đà Nẵng.
Bài viết đề cập đến Đại tá Lê Văn Tam, Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng, người được dư luận đặt câu hỏi là đang ở ngôi nhà biệt thự, tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng trị giá khoảng 100 tỷ đồng, nghi do Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”, là một bị can đã bị khởi tố liên quan đến vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước, trốn thuế, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) tặng?. Khi có thông tin nêu đích danh người đứng đầu Công an thành phố, nhiều cử tri đã bức xúc chất vấn lãnh đạo TP. Đà Nẵng, đề nghị Đại tá Lê Văn Tam báo cáo giải trình về những vấn đề có liên quan. Theo đó, Đại tá Tam thừa nhận việc mình có nhà ở Làng biệt thự Euro Village, nhưng phủ nhận việc được Vũ “Nhôm” biếu tặng...
Giải trình của ông Lê Văn Tam trước công luận, với báo chí là có thật. Nhưng, sự thật của sự hồi âm đó ở mức độ nào thì chỉ vị đại tá đó mới biết được.
Giờ đây, người dân đã chờ đủ lâu để được lắng nghe giải trình công khai, rõ ràng về những bất động sản, biệt thự, cũng như nguồn gốc của nó từ Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng Lê Văn Tam. Theo đó, nhiều cử tri mong muốn Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng, để cán bộ nhà nước không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, và trong đó cần có chế tài thật mạnh mẽ: Nên tịch thu những tài sản đã kê khai không trung thực và không giải trình một cách hợp lý.
Yến Thanh