Cơ quan điều tra được ghi âm bí mật khi điều tra tham nhũng
Cập nhật lúc 11:21, Thứ bảy, 06/01/2018 (GMT+7)
Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt đối với một số tội phạm.
|
|
Ảnh mang tính minh họa (Nguồn internet) |
Trên thực tế, những biện pháp điều tra đặc biệt vẫn được áp dụng trong quá trình điều tra, tuy nhiên, chứng cứ thu được từ những biện pháp này chưa được hợp pháp hóa.
Một trong những điểm mới của BLTTHS năm 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2018) đó là các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; đồng thời cũng quy định chi tiết, rõ ràng về phạm vi áp dụng những nghiệp vụ trinh sát chuyên nghiệp của ngành công an.
Cụ thể, theo Điều 223, 225 BLTTHS 2015, sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt sau đây: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
|
|
Ảnh mang tính minh họa (Nguồn internet) |
Tuy nhiên, các biện pháp điều tra nêu trên chỉ được áp khi điều tra các tội được quy định tại Điều 224 BLTTHS 2015: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt (Điều 226) là không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của Bộ luật này.
Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.
Anh Minh/Kiemsat.vn