Vụ lão nông 20 năm đi tìm công lý: CA hay TA huyện phải bồi thường?
Cập nhật lúc 15:37, Thứ ba, 07/06/2011 (GMT+7)
Tòa án và Công an huyện Hồng Ngự đều công nhận đã xử oan nhưng chưa thống nhất được cơ quan nào phải bồi thường cho ông Mười Thêm. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Tòa án và Công an huyện Hồng Ngự đều công nhận đã xử oan nhưng chưa thống nhất được cơ quan nào phải bồi thường cho ông Mười Thêm.
Công an đã kéo dài vụ án
Theo Công an huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), việc đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can đối với ông Mười Thêm sau 20 năm căn cứ vào Công văn số 3501/VKSND-VI ngày 22-10-2002 của VKSND Tối cao. Công văn này cho rằng hồ sơ vụ án ông Mười Thêm đã thất lạc, kéo dài gần 20 năm, đã hết thời hạn điều tra nên cần đình chỉ điều tra vụ án và bị can. Thế nhưng thực chất của việc đình chỉ điều tra vụ án và bị can là do đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Về trách nhiệm trong vụ việc, Công an huyện Hồng Ngự cho rằng việc làm oan là do những người tiền nhiệm. Còn trách nhiệm bồi thường oan cho ông Mười Thêm là của TAND huyện chứ không phải của công an huyện.
|
Sau 20 năm mang án oan, ông Mười Thêm lâm cảnh khánh kiệt, không tiền mua củi phải đi xin dăm bào làm chất đốt. Ảnh: HÙNG ANH |
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hồng, Chánh án TAND huyện Hồng Ngự, việc Công an huyện Hồng Ngự thoái thác trách nhiệm bồi thường cho ông Mười Thêm là không đúng. “Tuần trước, lãnh đạo TAND và VKSND huyện đã họp bàn về yêu cầu đòi bồi thường của ông Mười Thêm. Hai cơ quan này thống nhất quan điểm, việc bồi thường cho ông Mười Thêm là cần thiết và Công an huyện Hồng Ngự phải nhận lãnh trách nhiệm này. Vì công an huyện không đồng ý bồi thường nên chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của TAND và VKSND tỉnh, chắc rằng tuần sau sẽ có kết quả cụ thể” - ông Hồng nói.
PV liên hệ tiếp với các cơ quan pháp luật của Đồng Tháp thì được trả lời: Đây là vụ việc phức tạp, phải chờ cuộc họp của ba ngành tòa án, VKS, công an tỉnh thì mới xác định được cơ quan phải bồi thường cho ông Mười Thêm.
Tòa sơ thẩm phải bồi thường
Luật sư ĐINH VĂN QUẾ: Tòa sơ thẩm không thể thoái thác trách nhiệm Hành vi không chịu giao đất cho chính quyền chưa bao giờ là hành vi phạm tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai theo Điều 180 BLHS năm 1985. Ông Mười Thêm không có hành vi mua bán, lấn chiếm đất, cũng không có hành vi khác vi phạm quy định về việc không giao đất cho chính quyền địa phương đã gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào thì cơ quan điều tra, VKS, tòa án cấp sơ thẩm đã không nêu ra được. Có lẽ đây là lý do mà tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Việc làm này của tòa án cấp phúc thẩm cũng là một giải pháp “an toàn” và có phần bênh vực tòa án cấp sơ thẩm. Vì như nội dung báo nêu, nếu tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố ông Mười Thêm không phạm tội thì việc bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388/2003 hay theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đều thuộc về tòa án cấp sơ thẩm. Nay nếu công an và tòa án huyện có lấn cấn trong việc xác định trách nhiệm bồi thường cho ông Mười Thêm thì địa phương có thể tiến hành một số thủ tục để dễ thực hiện. Với văn bản đình chỉ điều tra do “hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự vì đã hết thời hạn điều tra” thì có nghĩa là công an vẫn xác định ông Mười Thêm có hành vi phạm tội. Nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan điều tra Công an huyện Hồng Ngự trái pháp luật thì Công an tỉnh Đồng Tháp có quyền ra quyết định hủy quyết định đình chỉ điều tra đó để ra quyết định khác. Khi quyết định đình chỉ điều tra được thay đổi với lý do ông Mười Thêm không thực hiện hành vi phạm tội thì trách nhiệm bồi thường oan thuộc về tòa án cấp sơ thẩm. Tiến Hiểu ghi Kiểm sát viên cao cấp VÕ VĂN THÊM (Viện Phúc thẩm III, VKSND Tối cao): Lỗi do tòa vội vàng kết án Tôi cho rằng tòa án cấp sơ thẩm phải chịu trách nhiệm bồi thường oan cho ông Mười Thêm. Bởi lẽ tòa này đã xét xử và kết án ông bằng một bán án khi chưa đủ chứng cứ buộc tội để đến mức bị hủy án. Đáng ra trước khi xử sơ thẩm nếu thấy chứng cứ chưa ổn thì tòa có quyền trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Đằng này tòa lại vội vàng kết án để rồi sau đó vụ án bị treo lơ lửng 20 năm trời.Về hình thức, tôi cũng đồng ý ông Mười Thêm không thuộc phạm vi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhưng về bản chất vụ việc thì ông đã bị oan khuất nên tòa án cấp huyện phải đứng ra bồi thường cho ông. THANH TÙNG ghi |
HÙNG ANH (PL)