VKSND tối cao vừa có văn bản số 3279/VKSTC-V11 gửi Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện chỉ tiêu trực tiếp kiểm sát và kiến nghị, kháng nghị.

Theo đó, văn bản số 3279/VKSTC-V11 nêu rõ: Tại Hướng dẫn 05/HD-VKSTC ngày 5/1/2018 và Hướng dẫn 557/VKSTC-V11 ngày 6/2/2018 về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2018, Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11), VKSND tối cao đã quán triệt chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/11/2017, hướng dẫn và yêu cầu Viện kiểm sát các cấp tăng cường và đổi mới các cuộc trực tiếp kiểm sát, nhất là trực tiếp kiểm sát các Chi cục thi hành án dân sự. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng từ trên 15 Chi cục thi hành án dân sự trở lên thì Phòng 11 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải phối hợp với các VKSND cấp huyện để trực tiếp kiểm sát từ 02 đến 03 Chi cục; các đơn vị có từ 15 Chi cục trở xuống cần trực tiếp kiểm sát 01 đến 02 Chi cục. Bên cạnh đó, theo hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành KSND, ban hành kèm theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao có quy định mỗi năm, mỗi VKSND cấp tỉnh và cấp huyện ban hành được ít nhất 01 kiến nghị tổng hợp; 100% kiến nghị, kháng nghị các loại được chấp nhận, tiếp thu trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự.

Cũng theo văn bản số 3279/VKSTC-V11, để hoàn thành các chỉ tiêu về trực tiếp kiểm sát và kiến nghị, kháng nghị, Vụ 11, VKSND tối cao yêu cầu VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp, kế hoạch để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về trực tiếp kiểm sát và kiến nghị, kháng nghị theo yêu cầu của Ngành và chương trình công tác của đơn vị.

Bên cạnh yêu cầu cần hoàn thành chỉ tiêu nghiệp vụ, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chú ý nâng cao chất lượng các cuộc trực tiếp kiểm sát và chất lượng các bản kiến nghị, kháng nghị. Khi trực tiếp kiểm sát cần xác định rõ những nội dung trọng tâm, sát với yêu cầu của thực tiễn. VKSND cấp tỉnh cần tổng hợp các dạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự được phát hiện qua các cuộc trực tiếp kiểm sát để có kiến nghị tổng hợp với Cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm ở hai cấp Kiểm sát. Tăng cường phát hiện vi phạm pháp luật thông qua hoạt động kiểm sát thường xuyên, chú trọng và có biện pháp để phát hiện các vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động thi hành án dân sự để kháng nghị, kiến nghị kịp thời, hiệu quả, được cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị tiếp thu. Đối với các trường hợp kháng nghị, kiến nghị không được Cơ quan thi hành án dân sự chấp nhận (một phần hoặc toàn bộ) thì phải báo cáo kịp thời, đầy đủ về Vụ 11, VKSND tối cao.

Cùng với các yêu cầu trên, VKSND tối cao cũng đề nghị VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Viện kiểm sát hai cấp có biện pháp để thực hiện tốt các nhiệm vụ đột phá của đơn vị, có tổng kết và đánh giá vào dịp cuối năm việc thực hiện nhiệm vụ đột phá, báo cáo về VKSND tối cao theo quy định.

P.V