Cụ thể về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy định về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND (Ban hành kèm theo Quyết định số 304/QĐ-VKSTC ngày 29/6/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao) quy định về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự; cấp phát kinh phí bồi thường; chi trả tiền bồi thường; trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và quản lý công tác bồi thường Nhà nước thuộc trách nhiệm của VKSND. Quy định này áp dụng đối với các đối tượng, gồm: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện; Kiểm sát viên, kiểm tra viên, công chức của VKSND các cấp được phân công giải quyết bồi thường; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác giải quyết bồi thường Nhà nước thuộc trách nhiệm của VKSND. Quy định này không áp dụng đối với việc giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Liên quan đến việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, tại Điều 3 Quy định nêu rõ: VKSND có trách nhiệm giải quyết bồi thường (sau đây gọi tắt là Viện kiểm sát giải quyết bồi thường) phân công người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường. Trường hợp người yêu cầu bồi thường trực tiếp nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, người tiếp nhận hồ sơ ghi vào Sổ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường và cấp giấy xác nhận đã nhận hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường. Trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường được gửi qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, người tiếp nhận hồ sơ ghi vào Sổ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường và thông báo bằng văn bản về việc nhận hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường.

Hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm các tài liệu đó là: Văn bản yêu cầu bồi thường được lập theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Quy định này; văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc một trong các trường hợp được Nhà nước bồi thường quy định tại Điều 35 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tài liệu chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại gồm một trong các giấy tờ sau: chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, sổ hộ khẩu thường trú, giấy khai sinh, giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người bị thiệt hại làm việc; tài liệu chứng minh nhân thân của người yêu cầu bồi thường và chứng minh tư cách là người đại diện hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại không trực tiếp yêu cầu bồi thường theo quy định tại điểm c khoản này, các điểm b và c khoản 2 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; tài liệu chứng minh các thiệt hại yêu cầu bồi thường; các tài liệu khác liên quan đến yêu cầu bồi thường (nếu có). Các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều này phải là bản chính hoặc là bản sao có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.

Kiểm tra căn cứ, thời hiệu yêu cầu bồi thường

Về xử lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, Điều 4 Quy định nêu rõ: Thứ nhất, người tiếp nhận hồ sơ phải kiểm tra căn cứ, thời hiệu yêu cầu bồi thường; các tài liệu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và xử lý như sau: Trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, người tiếp nhận hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Viện kiểm sát, người yêu cầu bồi thường phải nộp tài liệu bổ sung hồ sơ. Trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường đã đầy đủ và hợp lệ thì người tiếp nhận hồ sơ tiến hành thụ lý hồ sơ theo Điều 5 của Quy định này.

Thứ hai, trường hợp người yêu cầu bồi thường đề nghị Viện kiểm sát giải quyết bồi thường thu thập tài liệu hoặc làm rõ nội dung văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, người tiếp nhận hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát ra văn bản yêu cầu cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cung cấp văn bản hoặc làm rõ nội dung văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Viện kiểm sát, cơ quan, người có thẩm quyền phải cung cấp hoặc làm rõ nội dung văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường và gửi cho Viện kiểm sát đã yêu cầu; nếu hết thời hạn mà cơ quan, người có thẩm quyền không cung cấp hoặc không làm rõ nội dung văn bản theo yêu cầu thì Viện kiểm sát vẫn thụ lý và trực tiếp xác minh, thu thập tài liệu.

Đối với việc thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, Điều 5 Quy định nêu rõ:  Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ ghi vào Sổ thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường cho người yêu cầu. Văn bản thông báo thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường được lập theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quy định này.

Trường hợp hồ sơ có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người tiếp nhận hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành văn bản thông báo không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả lại hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường và nêu rõ lý do. Văn bản thông báo không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường được lập theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Quy định này.

Trường hợp sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường mới phát hiện có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 43 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì người tiếp nhận hồ sơ báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát ban hành văn bản thông báo dừng việc giải quyết yêu cầu bồi thường, xóa tên vụ việc trong Sổ thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường và trả lại hồ sơ cho người yêu cầu bồi thường. Văn bản thông báo dừng việc giải quyết yêu cầu bồi thường được lập theo Mẫu số 06 ban hành kèm theo Quy định này.

Các văn bản thông báo nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được gửi cho người yêu cầu bồi thường, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp và Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự VKSND tối cao (Vụ 7) trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành văn bản.

Trong việc cử người giải quyết yêu cầu bồi thường, tại Điều 6 Quy định nêu: Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý hồ sơ, Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết bồi thường ra Quyết định cử người giải quyết bồi thường theo Mẫu số 07 ban hành kèm theo Quy định này. Căn cứ vào tính chất của từng vụ việc, Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết bồi thường cử một Phó Viện trưởng, một hoặc nhiều Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức giải quyết yêu cầu bồi thường. Người được cử giải quyết yêu cầu bồi thường phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự, bồi thường Nhà nước và không có quyền và lợi ích liên quan đến việc giải quyết bồi thường, không là người thân thích của người thi hành công vụ gây thiệt hại, người bị thiệt hại. Quyết định cử người giải quyết bồi thường được gửi cho người yêu cầu bồi thường, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp và Vụ 7 VKSND tối cao trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định.

Bên cạnh các nội dung về tiếp nhận, thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường và cử người giải quyết bồi thường, Quy định còn đề cập đến các nội dung như: Trách nhiệm phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; chủ động phục hồi danh dự; phục hồi danh dự theo yêu cầu; tổ chức thực hiện phục hồi danh dự; tạm ứng kinh phí bồi thường; việc xác minh thiệt hại và thương lượng; việc lập dự toán, cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường; về hoàn trả kinh phí bồi thường; việc quản lý công tác bồi thường Nhà nước của ngành KSND…

P.V

Quy định gồm 8 chương, 28 điều; ban hành kèm theo Quy định là 24 biểu mẫu sử dụng trong công tác giải quyết bồi thường nhà nước thuộc trách nhiệm của VKSND. Cũng theo Quy định, Viện kiểm sát giải quyết bồi thường phải chủ động tổ chức thực hiện phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu không phục hồi danh dự. Việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người bị thiệt hại.