Vụ tranh chấp thừa kế ở Thái Nguyên:
Tòa án nhận định chưa chính xác, Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm
Cập nhật lúc 15:16, Thứ năm, 08/02/2018 (GMT+7)
Theo kháng nghị của Viện kiểm sát, việc Tòa án nhận định và không chia một phần di sản thừa kế là công sức tôn tạo, duy trì di sản cho bà Ngoan là không bảo đảm quyền của đương sự, vi phạm Điều 618, Điều 658 BLDS năm 2015.
Ngày 8/11/2017, TAND huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa sơ thẩm (lần 2) xét xử vụ tranh chấp thừa kế tài sản giữa nguyên đơn là các ông, bà: Nguyễn Thị Sửu, Nguyễn Thị Thúy và Nguyễn Văn Thắng với bị đơn là bà Hoàng Thị Ngoan. Ngay sau khi Tòa tuyên án (Bản án số 08/2017/DS-ST), các đương sự đã được HĐXX giao một bản sơ đồ thể hiện chính xác mốc giới, diện tích nhà đất được chia theo nội dung bản án vừa công bố. Điều khiến đương sự bất ngờ ở chỗ, sơ đồ chia đất này lại được đo vẽ từ tháng 5/2017, tức là trước phiên tòa sơ thẩm tới 6 tháng.
Đất tự mua bị coi là di sản thừa kế?
Năm 2014, ba chị em bà Sửu, bà Thúy và ông Thắng đã có đơn khởi kiện, yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của bố mẹ gồm: toàn bộ thửa đất số 29, tờ bản đồ số 13 (rộng gần 2500m2) tại xóm Trại 4, xã Bình Thuận, huyện Đại Từ do bà Hoàng Thị Ngoan (chị dâu các nguyên đơn) đang quản lý, sử dụng. Bản án sơ thẩm (của TAND huyện Đại Từ) và bản án phúc thẩm (của TAND tỉnh Thái Nguyên) đều đã chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn để chia di sản và xác định công sức duy trì bảo quản di sản của bà Ngoan, trong đó xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm 4 đồng thừa kế là bà Sửu, ông Thắng, bà Thúy và hai thừa kế thế vị của ông Chất (chồng bà Ngoan và là anh trai của các nguyên đơn) là anh Nguyễn Anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Việt Hương. Tuy nhiên, do có một số thiếu sót nên hai bản án nói trên đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy để TAND huyện Đại Từ xét xử sơ thẩm lại.
Liên quan đến lời khai và chứng cứ của bà Ngoan về việc đã mua nhà, đất của bà Thúy nhưng nhà đất này vẫn bị coi là di sản thừa kế, trước đó, trong quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao đã chỉ ra: “Tòa án hai cấp phải lấy lời khai của bà Thúy và tiến hành đối chất giữa bà Ngoan và bà Thúy để làm rõ. Việc Tòa án hai cấp chưa làm rõ nội dung trên mà chỉ căn cứ vào giấy bán nhà không thể hiện ô thửa rõ ràng; lúc mua bán hai cụ còn sống và bà Ngoan không chứng minh được hai cụ đã cho bà Thúy đất này… để không chấp nhận yêu cầu của bà Ngoan là chưa đủ cơ sở vững chắc”. Tuy vậy, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm (lần 2), không thấy TAND huyện Đại Từ thực hiện các nội dung như yêu cầu của quyết định giám đốc thẩm, vẫn chỉ dựa vào căn cứ rằng “không rõ ô, thửa, không có vị trí” và “bà Thúy không có giấy ủy quyền của bố mẹ” để bác bỏ lời khai của bà Ngoan về việc đã mua nhà đất của bà Thúy.
Trong quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội trước đó cũng nêu rõ: “Lẽ ra, phải chia cho bà Ngoan phần đất có nhà của vợ chồng bà nhưng hai cấp tòa lại chia cho ông Thắng và buộc ông Thắng phải trả giá trị nhà cho bà Ngoan là không hợp lý”... Thế nhưng, xét xử sơ thẩm lại, TAND huyện Đại Từ vẫn tuyên cho anh Tuấn, chị Hương được phần đất có công trình này mà không cho bà Ngoan được quản lý, sử dụng.
Viện kiểm sát kháng nghị bản án sơ thẩm
Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bị đơn, bà Hoàng Thị Ngoan, ngày 21/11/2017, tại Quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án số 08/2017 ngày 8/11/2017 của TAND huyện Đại Từ, VKSND huyện Đại Từ nêu rõ: “Việc Tòa án nhận định và không chia một phần di sản của cụ Lịch, cụ Sử là công sức tôn tạo, duy trì di sản cho bà Ngoan là không bảo đảm quyền lợi của đương sự, vi phạm Điều 618, Điều 658 BLDS năm 2015. Bản án tuyên xử yêu cầu các nguyên đơn thanh toán giá trị tài sản trên đất cho bà Ngoan chưa đảm bảo. Từ đó, VKSND huyện Đại Từ đề nghị TAND tỉnh Thái Nguyên xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng sửa một phần bản án sơ thẩm về nội dung: Trích chia cho bà Ngoan một phần di sản của cụ Lịch và cụ Sử là công duy trì, quản lý di sản của bà Ngoan; các đồng nguyên đơn (ông Thắng, bà Sửu) phải thanh toán cho bà Ngoan giá trị tài sản là hoa màu và công trình xây dựng trên đất được chia bằng tiền”.
Hà Nhân