leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng – Chánh án TAND tối cao phát biểu tại Hội nghị.

Cùng tham dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo Thành ủy, UBND, Viện KSND TP.HCM và tập thể lãnh đạo TAND hai cấp TP.HCM.

Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao công tác triển khai thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại của TAND TP.HCM và yêu cầu Tòa án nhân dân hai cấp TP HCM chủ động, tích cực bảo đảm hoạt động của các Trung tâm này; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các Trung tâm và kiến nghị TANDTC hướng dẫn, xử lý kịp thời nếu cần thiết. Đây là phương thức đặt ra nhằm giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và của xã hội. Đồng thời, hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án.

leftcenterrightdel
 Các thành viên, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Thành phố thực hiện thí điểm về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp.

Đồng thời, Chánh án TANDTC cũng đề nghị các hòa giải viên, đối thoại viên tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng, quy trình hòa giải, đối thoại đã được tập huấn; vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và uy tín của mình để triển khai trong thực tiễn.

Được biết, 10 Trung tâm hòa giải tại TP.HCM đều có Phòng làm việc và Phòng hòa giải với trang thiết bị được thiết kế, bố trí thể hiện sự thân thiện, gần gũi. Các hòa giải viên, đối thoại viên của 10 Trung tâm đều là những người có kiến thức pháp luật, kinh nghiệm, năng lực, hiểu biết xã hội, có uy tín trong cộng đồng, đã được tập huấn đầy đủ về quy trình và kỹ năng hòa giải, đối thoại, sẵn sàng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 10 đơn vị thuộc Tòa án nhân dân hai cấp TP.HCM được giao nhiệm vụ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật tố tụng Hành chính không được hòa giải, đối thoại.

leftcenterrightdel
 Đại diện lãnh đạo các Trung tâm hòa giải tại TP.HCM

Theo quy định, trong quá trình hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên, đối thoại viên là những người trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật; trường hợp các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án; chi phí, bồi dưỡng cho hòa giải viên, đối thoại viên do Tòa án chi trả, các bên không phải chi trả cho hòa giải viên, đối thoại viên bất cứ khoản thù lao nào.

Phi Sơn