Theo các chuyên gia nghiên cứu, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã đang là chủ đề nóng trên toàn cầu. Lợi nhuận cao từ việc buôn bán động vật hoang dã khiến nhiều đối tượng bất chấp pháp luật có nhiều hình thức tinh vi  lách luật thực hiện hành vi phạm tội.

Việt Nam không chỉ bị coi là một quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã mà còn là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới trung chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia. Nhiều vụ án, buôn bán xuyên quốc gia khối lượng lớn các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã được phát hiện, bắt quả tang trên đất Việt.

leftcenterrightdel
 Chánh án TAND Tối cao, Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo.

Từ năm 2015 đến năm 2017, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra xét xử 207 vụ/ 303 bị cáo vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, qúy, hiếm. Trong đó, chỉ có 8 bị cáo bị phạt tù từ 3-7 năm, 96 trường hợp tù từ 3 năm trở xuống. Các vụ việc còn lại đối tượng phạm tội chỉ bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tù giam nhưng cho hưởng án treo. 

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư trung ương Đảng, Bí thư ban cán sự Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, hậu quả của việc săn bắt, mua bắt động vật hoang dã, động vật quý hiếm là nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng gây ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học. Nhiều loài thú lớn là biểu tượng của nhiều vùng bị tuyệt chủng do áp lực khai thác, sử dụng bất hợp pháp như tê giác một sừng, hổ, bò xám, trâu rừng, hươu vàng, nai cà-tông và nhiều thú lớn khác...

Để đấu tranh chống loại tội phạm này, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nhiều nội dung và cụ thể hóa các tình tiết có tính chất định tính về về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, động vật nguy cấp, động vật quý hiếm. Cùng với đó, nước ta cũng đã thực hiện cam kết Việt Nam tham gia công ước LHQ, công ước CITES về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm, áp dụng nhiều quy định các loại tội về xâm phạm, săn bắt động vật quý hiếm.

“Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, một số quy định chưa thực sự rõ ràng, cụ thể, còn nhiều vướng mắc  nên cần phải hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”, Chánh án Bình nhấn mạnh

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị. 

Tại phần thảo luận, đại biểu đến từ Vụ pháp chế và quản lý khoa học TANDTC chia sẻ, điều khoản mới cùng khung hình phạt nặng hơn của BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 là một điểm nhấn cho thấy Việt Nam đang quyết tâm phòng, chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Sự quyết tâm này nhấn mạnh cam kết của Việt Nam đối với việc thực hiện Công ước về buôn bán quốc tế trong các loài động vật và thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Bên cạnh đó, việc không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội phạm về môi trường cùng với những hạn chế của các chế tài hành chính, dân sự đã làm giảm đáng kể hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm.

Trao đổi về một số nội dung cần hướng dẫn trong dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao,TS Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ đầu năm 2018, nhưng tại Điều 244 Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm có một số quy định có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thi hành.

“Ví dụ, tại các điểm b, đ, e khoản 1; điểm a, b, c khoản 2; điểm a, b, c, khoản 3 Điều 244 quy định về tình tiết định khung là bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống . Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định này. Vì vậy, các ý kiến phát biểu yêu cầu phải hướng dẫn cụ thể để có sự thống nhất chung”.

TS Phạm Quý Tỵ cũng chỉ ra những băn khoăn về quy định về hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm động vật, tại điểm b khoản 1 Điều 244 BLHS quy định hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, các khoản khác không quy định về hành vi này. Mức hình phạt cao nhất của khoản 1 Điều 244 là năm năm. Như vậy có nghĩa là tất cả hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm động vật chỉ xét xử ở khoản 1 Điều 244.

Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 160/NĐ-CP quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để làm căn cứ xét xử Điều 190 BLHS năm 1999. Trong đó có một số loài được bổ sung vào nhóm IB loài tê tê. Tuy nhiên, Thông tư số 19/TTLT lại không được sửa đổi, bổ sung kịp thời khiến các cơ quan thi hành pháp luật gặp khó khăn.

Do không có cơ sở để xử theo khoản 2 Điều 190 về hành vi “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” nên các địa phương đều áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, tức là tất cả vụ vận chuyển, buôn bán trái phép  tê tê dù nhiều hay ít đều xử theo khoản 1 Điều 190.

“Vì vậy, viêc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần hướng dẫn cụ thể hướng giải quyết vấn đề này là rất cần thiết”, ông Tỵ khẳng định.

Lê tâm