leftcenterrightdel
BLHS năm 2015 có nhiều thay đổi có lợi cho bị cáo.  

Bị cáo là một người đàn ông đã ngoài 60 tuổi, làm nghề chạy “xe ôm”. Vì qua đường nhưng không chú ý quan sát nên xảy ra va chạm với xe ô tô khiến người khách mà ông chở phía sau bị tử vong. Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông chỉ bồi thường được cho gia đình bị hại số tiền nhỏ là 2.000.000 đồng; thêm vào đó, ông lại chưa có Giấy phép lái xe theo quy định pháp luật. Hành vi của bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 202 BLHS năm 1999. Về phía gia đình bị hại, biết được hoàn cảnh gia đình của bị cáo nên không yêu cầu bị cáo phải bồi thường, đồng thời xin không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Tại phiên tòa, khi được Chủ tọa phiên tòa cho nói lời sau cùng, bị cáo đã nói: “Tôi có một người cháu cũng vụ việc như của tôi và bị phạt 02 năm tù nên tôi biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, xin gửi lời xin lỗi cũng như lời cảm ơn đến gia đình bị hại”. Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Từ vụ án trên, kết hợp giữa quy định pháp luật cùng với thực tiễn xét xử đã đặt ra hai vấn đề:

Thứ nhất, đối với những người phạm tội nghiêm trọng do lỗi vô ý hoặc ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể xem xét để miễn trách hình sự cho họ (khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015).

Thứ hai, người phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do lỗi vô ý hoặc người được miễn trách hình sự thì không bị coi là có án tích (khoản 2 Điều 69 BLHS năm 2015).

Hai vấn đề trên cũng chính là những thay đổi mang tính nhân đạo sâu sắc của BLHS năm 2015 đối với tội phạm do lỗi vô ý. Sự thay đổi này vừa đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật khi nó là một quy phạm tùy nghi, việc có được miễn trách nhiệm hình sự hay không phụ thuộc vào việc xem xét, đánh giá của những người tiến hành tố tụng dựa trên hành vi, nhân thân của người phạm tội; đồng thời vừa thể hiện được tính nhân đạo trong chính sách pháp luật của nước ta. Bởi lẽ trên thực tế, điển hình là đối với tội phạm về giao thông, thường hai bên sẽ chủ động hòa giải với nhau về việc bồi thường và họ cũng không muốn truy cứu trách nhiệm hình sự vì hậu quả xảy ra không ai mong muốn, đúng với tính chất của lỗi vô ý. Tuy nhiên, đây là một quy định mới của BLHS năm 2015 nên cần sớm ban hành những văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là những cơ sở để xem xét miễn trách nhiệm hình sự; trình tự, thủ tục hòa giải theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015.

Lý Trọng Đại