Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC- BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT (sau đây gọi là Thông tư 02/2018) được ban hành ngày 05/9/2018 quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo, thay thế TTLT số 02/2005 ngày 10/8/2005 (Thông tư 02/2005). 

Thông tư 02/2018 quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, phân loại, thụ lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự; không áp dụng đối với khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị quy định tại khoản 2, Điều 469 BLTTHS. 

Về giải quyết đơn khiếu nại

So với quy định cũ, Thông tư 02/2018 đã quy định chi tiết, cụ thể, đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục thụ lý, đặc biệt là quá trình xác minh, gia hạn thời hạn xác minh nội dung khiếu nại, những văn bản tài, liệu cần có trong hồ sơ giải quyết khiếu nại.

leftcenterrightdel
Một buổi cán bộ Kiểm sát tiếp công dân (ảnh minh họa). 

Bên cạnh việc gửi quyết định giải quyết khiếu nại, Thông tư 02/2018 quy định thêm về việc gửi thông báo thụ lý cho Viện kiểm sát, Viện kiểm sát phải có văn bản hồi đáp: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thụ lý hoặc ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án phải gửi văn bản thông báo thụ lý hoặc quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc giải quyết khiếu nại. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án.

Về giải quyết đơn tố cáo

Thông tư 02/2018 có quy định mới trong việc xử lý đơn tố cáo không rõ tên của người tố cáo (đơn giấu tên, mạo tên):

“Không xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, hoặc sử dụng họ tên của người khác; hoặc nội dung tố cáo đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết mà người tố cáo không đưa ra được chứng cứ mới. Nếu thông tin tố cáo không rõ tên người tố cáo nhưng cung cấp tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra phục vụ công tác quản lý.”

Như vậy, với những đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ tên người tố cáo nhưng có cung cấp, tài liệu, chứng cứ cụ thể, rõ ràng đi kèm đơn, có cơ sở để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, thì với chức trách, nhiệm vụ của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo phải tiến hành thanh tra, kiểm tra những chứng cứ đó, xác minh nội dung tố cáo. 

Gia hạn thời hạn xác minh nội dung tố cáo khi hết thời hạn xác minh: “Khi thời hạn xác minh nội dung tố cáo đã hết, nhưng nội dung xác minh chưa thực hiện xong thì người giải quyết tố cáo xem xét gia hạn thời hạn xác minh. Thời hạn gia hạn xác minh không vượt quá thời hạn giải quyết tố cáo”. Quy định này tạo điều kiện cho người xác minh có thêm thời gian trong việc xác minh nội dung tố cáo, bảo đảm báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo và kết luận tố cáo được khách quan, đúng, đủ và chính xác.

Thông tư 02/2018 quy định mới về thời hạn phải gửi thông báo thụ lý và quyết định giải quyết tố cáo cho Viện kiểm sát và Viện kiểm sát phải có thông báo hồi đáp như sau: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày thụ lý hoặc ban hành quyết định giải quyết tố cáo, Cơ quan điều tra, Tòa án phải gửi văn bản thông báo thụ lý hoặc quyết định giải quyết tố cáo cho Viện kiểm sát cùng cấp để tiến hành kiểm sát việc giải quyết tố cáo. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết tố cáo, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay không đồng ý với quyết định giải quyết tố cáo của Cơ quan điều tra, Tòa án

Việc giữ bí mật, bảo vệ danh tính cho người tố cáo được quy định như sau: Người giải quyết tố cáo, người được phân công xác minh nội dung tố cáo phải giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo theo yêu cầu của họ; kịp thời yêu cầu cơ quan chức năng bảo vệ người tố cáo trong trường hợp họ bị đe dọa, trả thù, trù dập. Đây là quy định mới quan trọng, cần thiết không chỉ nhằm bảo đảm sự an toàn cho người tố cáo, mà đồng thời cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của người tiếp nhận, giải quyết tố cáo trong việc bảo mật danh tính của người tố cáo.

Về kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

Quy định cụ thể về phạm vi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới từ khi tiếp nhận, thụ lý khiếu nại, tố cáo cho đến khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Như vậy, so với Thông tư 02/2005 quy định chi tiết các cơ quan mà Viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thông tư 02/2018 đã mở rộng hơn thẩm quyền này khi quy định chung ngoài Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới, thì còn có các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, mà theo Điều 164 BLTTHS năm 2015 gồm có: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Về phối hợp trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo: Thông tư 02/2018 đã tăng thời hạn để các cơ quan có thêm thời gian thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát. Ngoài ra, trong khi Thông tư 02/2005 chỉ quy định chung chung là trong “trường hợp gặp trở ngại khách quan cần có thêm thời gian thì phải có văn bản thông báo lý do cho Viện kiểm sát biết”, mà không quy định rõ thời hạn được kéo dài là bao nhiêu, dễ dẫn tới việc kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo không được hiệu quả, thì nay Thông tư 02/2018 đã khắc phục được thiếu sót trên qua việc quy định cụ thể, rõ ràng tại Điều 15 về thời hạn các cơ quan được phép kéo dài (vì lý do khách quan) trong khi thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát.


Nguyễn Tuyết