leftcenterrightdel
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm 

Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 268/2017/HSST ngày 14/12/2017 của Tòa án nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ xử phạt các bị cáo: Lưu Ngọc Vinh 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm” và phạt bổ sung 45 triệu đồng và buộc nộp thu lợi bất chính 300 triệu đồng; Nguyễn Văn Thắng 02 năm 06 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm” và phạt bổ sung 30 triệu đồng và buộc nộp thu lợi bất chính 70 triệu đồng; và các đồng phạm: Dương Thị Tuyết, Nguyễn Văn Hồng, Phạm Thanh Thuận, Huỳnh Văn Giàu, Phạm Quang Phương Đoàn 02 năm tù nhưng hưởng án treo.

Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP.HCM nhận thấy: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán trà giả, lời khai nhận của các bị cáo phù hợp nhau, phù hợp với kết quả giám định, vật chứng đã thu giữ và các tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án. \ Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm khởi tố, truy tố, xét xử các bị cáo về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm” là có căn cứ. Tuy nhiên, trong các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì không có tài liệu thể hiện hoạt động tra cứu tiền án, tiền sự, không có kết quả trích lục tiền án, tiền sự của người bị khởi tố, đây là vi phạm, thiếu sót nghiêm trọng trong việc chứng minh nhân thân của bị can, bị cáo. Do vậy, cơ quan tiến hành tố tụng xác định các bị cáo không có tiền án, tiền sự, từ đó quyết định cho các bị cáo được hưởng án treo là chưa có căn cứ vững chắc.

Ngoài ra, Lưu Ngọc Vinh cùng đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm liên tục trong khoảng thời gian dài, số lượng hàng giả làm ra, tiêu thụ rất lớn, cả cáo trạng và bản sơ thẩm đều quy kết các bị cáo phạm vào tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự, đồng thời trong vụ án này bị cáo Phạm Quang Phương Đoàn   khai rõ là đang bị Công an quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ điều tra về hành vi sản xuất hàng giả, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng quận Ninh Kiều lại không điều tra kết quả xử lý, không ghi nhận vào phần nhân thân của bị cáo Đoàn, trong khi Đoàn đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng quận Bình Thủy khởi tố, truy tố và xét xử về hành vi phạm tội này. Mặc dù điểm a, c khoản 2 Điều 2 NQ số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 16/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cáo hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật hình sự về án treo quy định: Đối với người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, người phạm tội còn có hành vi vi phạm tội khác đã bị xét xử trong một vụ án khác hoặc đang bị khởi tố, điều tra, truy tố trong một vụ án khác thì không được hưởng án treo, nhưng bản án sơ thẩm lại cho tất cả bị cáo, ngay cả bị cáo Vinh là người khởi xướng, giữ vai trò chính trong vụ án được hưởng án treo là trái Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP. Mặt khác, các bị cáo phạm vào khoản 2 Điều 157 Bộ luật hình sự thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng có mức hình phạt từ năm năm đến mười hai năm tù, án sơ thẩm xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là quá nhẹ, mà còn cho tất cả bị cáo trong vụ án được hưởng án treo, đây là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự, không phân hóa được vai trò, trách nhiệm hình sự đối với từng bị cáo, dẫn tới quyết định hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do các bị cáo đã gây ra, không có tác dụng trừng trị, giáo dục các bị cáo, hạn chế hiệu quả đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm buôn bán hàng giả đang diễn biến xấu, gây bất ổn về tình hình xã hội hiện nay.

Theo hồ sơ vụ việc, trước đó vào ngày 09/4/2016 tại nhà số 127/8D/6, đường Võ Văn Kiệt, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, Công an quận Ninh Kiều bắt quả tang Lưu Ngọc Vinh cùng nhân viên đang sang bao, đóng gói trà mang nhãn hiệu trà Thanh Bình đặc biệt; trà Thanh Bình trà bắc (trà xanh Thái Nguyên Việt Nam); trà Thanh Bình trà bắc loại đặc biệt (trà xanh Thái Nguyên Việt Nam) ghi địa chỉ sản xuất trên bao bì là Nhà máy trà Thanh Bình, xã Phúc Xuân, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đặt tại địa chỉ: Số 218/56 Lê Phụng Hiếu, phường Lộc Tiến, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra đủ căn cứ xác định từ tháng 02/2015 đến khi bị bắt quả tang, tổng doanh thu từ việc bán trà của Lưu Ngọc Vinh là 8.442.574.500 đồng. Trong đó, doanh số bán hàng lưu giữ trên máy tính cá nhân của Vinh thể hiện cụ thể số lượng, đơn giá, doanh số bán ra thu của từng loại trà giả, đây là khoản tiền do Vinh phạm tội mà có nên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sụ thì phải tịch thu sung quỹ Nhà nước. Trong khi khoản tiền do sản xuất, buôn bán trà giả mà Vinh thu được là rất lớn, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại chưa điều tra làm rõ để truy buộc Vinh nộp lại khoản tiền này để sung quỹ, mà bản án sơ thẩm chỉ tuyên tịch thu sung quỹ 300 triệu đồng khoản tiền Vinh thu lợi bất chính là chưa đúng quy định của pháp luật.

Do quá trình điều tra, truy tố và xét xử có vi phạm nghiệm trọng về tố tụng hình sự và có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật cần phải kháng nghị giám đốc thẩm để bảo đảm điều tra, truy tố, xét xử đúng pháp luật.

Trân Định