Đơn vị Phòng 9 trực thuộc VKSND tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch số 30/KH-VKS-P9, ngày 20/3/2024 của VKSND tỉnh Đồng Tháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về dân sự năm 2024. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền miệng tại các khu dân cư, Ban nhân dân, Trung tâm học tập cộng đồng tại ấp trên địa bàn các xã thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa của các huyện Lấp Vò, Lai Vung, huyện Cao Lãnh.
|
|
Hình ảnh Tổ tuyên truyền đang phổ biến pháp luật đến người dân. |
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó của Ngành Kiểm sát nhân dân. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới, nhận thấy rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân về những nội dung cơ bản của pháp luật trong quan hệ xã hội.
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân công tác tuyên truyền pháp luật có vai trò, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong nâng cao nhận thức, vị thế của Ngành.
Trong thời gian qua, VKSND tỉnh Đồng Tháp nói chung và đơn vị Phòng 9 nói riêng thường xuyên đăng tải những tin, bài viết của cán bộ, công chức liên quan đến hoạt động của Ngành trên trang thông tin điện tử của VKSND tỉnh Đồng Tháp.
Đơn vị Phòng 9 đã chủ động tham mưu Lãnh đạo Viện xây dựng chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương với hình thức tuyên truyền miệng. Kết quả công tác tuyên truyền của đơn vị 6 tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả tích cực. Đơn vị đã xây dựng báo cáo từng chuyên đề cụ thể, nội dung rõ ràng đễ hiểu, phù hợp với trình độ, kiến thức của đối tượng tuyên truyền là người dân, có minh họa bằng video clip về hình ảnh một số phiên tòa dân sự có liên quan đến nội dung tuyền truyền trình Lãnh đạo Viện Tỉnh phê duyệt.
|
|
Đồng chí Huỳnh Hồng Việt - Phó viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Tháp trao quà cho người dân. |
Sáu tháng đầu năm 2024 đơn vị đã tổ chức được 20 cuộc tuyên truyền pháp luật về dân sự các tranh chấp liên quan đến hụi, các loại hợp đồng vay tài sản và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giả cách) tại 20 ấp thuộc huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và Lai Vung với tổng số người dân tham dự là hơn 600 người. Thông qua các cuộc tuyên truyền pháp luật đơn vị đã góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống của người dân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền pháp luật dân sự bằng hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp tại các địa phương, với mong muốn được góp một phần nhỏ vào công tác “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, giai đoạn 2023-2025” tại các điểm tuyên truyền pháp luật đơn vị Phòng 9 đã vận động cán bộ, công chức của đơn vị, các mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ để hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Phương thức tuyên truyền miệng chưa có nhiều đổi mới; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế nên đôi lúc chưa tạo được sự sinh động thu hút cho người dân tham dự; Kinh phí bảo đảm cho công tác tuyên truyền pháp luật của đơn vị còn hạn chế, chủ yếu do đơn vị tự vận động từ các mạnh thường quân và cán bộ, Kiểm sát viên tự đóng góp. Để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương trong thời gian tới VKSND tỉnh Đồng Tháp đề xuất một số giải pháp.
|
|
Người dân trao đổi trực tiếp với Lãnh đạo VKSND tỉnh.
|
Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 08/6/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân. Hai là, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của công tác tuyên truyền, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành, của đơn vị; Lãnh đạo đơn vị thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác này để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, góp phần giúp người dân và xã hội nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật.
Ba là, cán bộ, Kiểm sát viên của đơn vị phải có ý thức tự trau dồi học hỏi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận, chính trị, đặc biệt, phải tự tòi tòi, học hỏi các phương pháp thuyết trình, người tuyên truyền phải học cách tuyên truyền của quần chúng để đảm bảo công tác tuyên truyền pháp luật tại địa phương trong thời gian tới được thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Bốn là, về nội dung tuyên truyền cần chú trọng trọng tâm, trọng điểm, dễ hiểu, dễ nhớ; phù hợp với đối tượng, với hoàn cảnh, cách nói, cách viết phải ngắn gọn giản đơn, rõ ràng, thiết thực kết hợp lý thuyết với thực tiễn, thiết thực trong đời sống tạo cảm nhận gần gũi, dễ tiếp nhận. Hay nói cách khác, công tác tuyên truyền phải được lồng ghép gắn kết chặt chẽ với tình hình chính trị tại địa phương.
Năm là, về hình thức các cuộc tuyên truyền nên kết hợp giữa phương thức tuyên truyền miệng và các hình thức khác như: hình ảnh, áp phích để tạo sự dễ hiểu, hứng thú cho người dân.
Sáu là, chủ động tham mưu Lãnh đạo Viện tăng cường công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đặc biệt quan tâm đến những địa phương nằm ở khu vực biên giới với hình thức phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Bảy là, kiến nghị VKSND tối cao nghiên cứu hỗ trợ kinh phí cho công tác tuyên truyền pháp luật cũng như có chính sách khen thưởng đối với những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật nhằm động viên, khuyến khích và nâng cao tinh thần trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc đầu tư thời gian và công sức vào công tác tuyên truyền góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Ngành.