Giả danh công an, chiếm đoạt tiền tỉ
Cập nhật lúc 23:51, Thứ tư, 02/11/2016 (GMT+7)
Băng lừa đảo đã giả danh công an, gọi điện cho các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và người già để lừa đảo tiền tỉ. (chiếm đoạt tiền tỉ, lừa đảo, Công an TPHCM, đường dây, giả danh công an)
Băng lừa đảo đã giả danh công an, gọi điện cho các nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và người già để lừa đảo tiền tỉ.
Ngày 2-11, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND TPHCM đề nghị truy tố Đồng Xuân Dũng (24 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ninh), Đặng Văn Mùa (22 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên), Vũ Văn Ngoan (30 tuổi, ngụ TP Hải Phòng), Vũ Văn Quang (30 tuổi, ngụ TP Hải Phòng) cùng về hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
|
Bị can Đồng Xuân Dũng lúc mới bị bắt |
Băng này tham gia vào đường dây giả danh công an, gọi điện thoại hù dọa người bị hại do một đối tượng Trung Quốc cầm đầu.
Bằng thủ đoạn gọi điện cho nhiều bị hại, chủ yếu là người già và phụ nữ dọa rằng họ có liên quan đến đường dây tội phạm đang bị điều tra, sau đó yêu cầu họ chuyển tiền vào tài khoản theo sự chỉ định để giám định nguồn gốc tiền rồi rút ra chiếm đoạt.
|
Đặng Văn Mùa |
Nguyễn Văn Linh (27 tuổi, anh rể của Dũng, quê tỉnh Hưng Yên, đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú, đang bị truy nã) đóng vai trò điều hành. Dũng, Mùa sử dụng ảnh của mình, thuê người làm CMND giả mang tên người khác và đến các ngân hàng đăng ký mở 4 tài khoản, cung cấp cho Linh.
Những tài khoản này được Linh, Dũng, Mùa dùng làm phương tiện nhận 850 triệu đồng của ba người bị hại cư ngụ tại TPHCM, sau đó chia nhau chiếm hưởng.
Tương tự, Ngoan và Quang gắn ảnh của mình vào CMND mang tên người khác để đăng ký mở 2 tài khoản ngân hàng cung cấp cho đồng bọn dung vào việc nhận, rút 300 triệu đồng từ người bị hại để được chia tiền lừa đảo.
Theo Công an TP HCM, băng này tinh quái hơn các băng lừa đảo trước ở chỗ, sau khi yêu cầu nạn nhân chuyển một số tiền nhỏ để "xác minh" thì chúng sẽ hoàn lại nhằm tạo lòng tin cho các bị hại kèm theo tin nhắn “Số tiền này không phải phạm tội mà có, cơ quan điều tra trả lại đầy đủ và đề nghị bà tiếp tục chuyển số tiền còn lại để kiểm tra”.
Sau đó, chúng yêu cầu chuyển số tiền lớn hơn, lúc này các bị hại không nghi ngờ nên chuyển thẳng và băng này nhanh chóng rút hết số tiền các bị hại vừa chuyển khoản. Nhiều bị hại khi phát hiện bị lừa nên trình báo công an thì đã quá muộn.
Theo Phạm Dũng/Người lao động
.