Khuyến khích việc nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án

Quy chế quản lý đề tài khoa học, đề án của VKSND tối cao áp dụng đối với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và thực hiện đề tài khoa học, đề án sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của VKSND tối cao.

Tại Điều 4 của Quy chế đã đề cập đến chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án. Theo đó, VKSND tối cao khuyến khích các đơn vị, cá nhân đề xuất đăng ký nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án; chủ trì, tham gia nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án và ứng dụng kết quả nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án vào hoạt động thực tiễn của ngành KSND. Bên cạnh đó, đơn vị, cá nhân tham gia nghiên cứu, thực hiện các đề tài khoa học, đề án được hỗ trợ kinh phí; được tạo điều kiện về thời gian, phương tiện vật chất; được tạo điều kiện cung cấp số liệu, thông tin liên quan đến nội dung nghiên cứu để hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu; được khen thưởng nếu có thành tích trong công tác quản lý hoặc nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án. Đồng thời, kết quả nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án là một trong các tiêu chí để xét khen thưởng đối với đơn vị, cá nhân.

Về nguyên tắc quản lý đề tài khoa học, đề án, Điều 7 Quy chế quy định: Việc quản lý đề tài khoa học, đề án phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ, các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc quản lý cũng cần bảo đảm tính hiệu quả, tính thực tiễn của hoạt động nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án trong việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xây dựng chiến lược, cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của ngành KSND. Bảo đảm kết hợp chặt chẽ giữa tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, giữa nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng trong thực hiện đề tài khoa học, đề án; phát huy khả năng sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của đơn vị quản lý khoa học của cá nhân, đơn vị chủ trì được giao thực hiện đề tài khoa học, đề án; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin khoa học, kết quả thực hiện đề tài khoa học, đề án của cá nhân, đơn vị trong ngành KSND. Đồng thời, bảo đảm tính hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực khoa học, ngân sách nhà nước để nghiên cứu, thực hiện đề tài khoa học, đề án.

Liên quan đến thời gian, Quy chế nêu rõ: Thời gian thực hiện đề tài khoa học tối thiểu là 01 năm. Đối với đề tài khoa học cấp bộ có phạm vi, nội dung nghiên cứu rộng, thời gian thực hiện có thể hơn 01 năm nhưng không quá 03 năm. Thời gian thực hiện đề án là 01 năm. Đối với đề án có nội dung lớn, thời gian thực hiện có thể hơn 01 năm.

Phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu

Đối với đề tài khoa học cấp bộ, yêu cầu đặt là phải phù hợp với chiến lược, định hướng cải cách tư pháp, phát triển ngành KSND, phát triển khoa học pháp lý về hoạt động tư pháp, khoa học kiểm sát trong từng giai đoạn. Bên cạnh đó, vấn đề nghiên cứu có tính cấp thiết, quan trọng đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND; có mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng nghiên cứu rõ ràng; phương pháp nghiên cứu phù hợp và tiên tiến. Kết quả nghiên cứu cung cấp được luận cứ khoa học, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong hoạch định và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; hoàn thiện pháp luật; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; phát triển ngành KSND. Không trùng lặp với nội dung các đề tài khoa học khác hoặc đề án sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện trong thời hạn 05 năm liền kề, kể từ thời điểm đăng ký thực hiện; không vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, các phát minh, sáng chế trong và ngoài nước đã được các cơ quan bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ công nhận. Mặt khác, dự toán kinh phí thực hiện đề tài phải phù hợp với quy định của pháp luật, của VKSND tối cao về quản lý tài chính và khả năng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động khoa học và công nghệ của VKSND tối cao.

Đối với đề tài khoa học cấp cơ sở, Quy chế nêu: Vấn đề nghiên cứu phải có tính cấp thiết cao, phục vụ trực tiếp việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của một đơn vị trong ngành KSND trong năm nghiên cứu. Có mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng nghiên cứu rõ ràng; phương pháp nghiên cứu phù hợp và tiên tiến. Không trùng lặp với nội dung các đề tài khoa học khác hoặc đề án sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện trong thời hạn 03 năm liền kề kể từ thời điểm đăng ký thực hiện. Đồng thời, dự toán kinh phí thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, của VKSND tối cao về tài chính và khả năng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động của VKSND tối cao.

Đối với đề án, yêu cầu đặt ra là phải phù hợp với chiến lược, định hướng cải cách tư pháp; chiến lược phát triển ngành KSND. Vấn đề nghiên cứu có tính cấp thiết đối với thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành KSND hàng năm và trong từng thời kỳ. Có mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu rõ ràng; phương pháp nghiên cứu phù hợp và tiên tiến. Kết quả nghiên cứu phải đưa ra được những đề xuất hoặc dự thảo cơ chế, chính sách, quy trình, quy phạm, văn bản pháp luật đáp ứng đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn. Không trùng lặp với nội dung các đề án hoặc đề tài khoa học khác sử dụng ngân sách nhà nước đã và đang thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ thời điểm đăng ký thực hiện. Dự toán kinh phí thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật, của VKSND tối cao và khả năng bố trí từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho VKSND tối cao.

P.V

 

Quy chế quản lý đề tài khoa học, đề án của VKSND tối cao gồm 4 chương, 60 điều. Cụ thể, Chương I: Những quy định chung; Chương II: Quản lý đề tài khoa học; Chương III: Quản lý đề án; Chương IV: Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Về trách nhiệm tổ chức thi hành, Quy chế nêu rõ: Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng các VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, đơn vị chủ trì và Chủ nhiệm đề tài khoa học, đề án chịu trách nhiệm thi hành Quy chế này.