leftcenterrightdel
 Một buổi kiểm sát về công tác THADS huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. 

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự (THADS) huyện nhận được Kiến nghị của VKSND huyện Gò Công Đông về việc một số hạn chế, vi phạm trong công tác THADS trên địa bàn huyện.

Theo đó, qua kiểm sát, VKSND huyện phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trong công tác THADS, cụ thể: 4 việc chậm xác minh điều kiện thi hành án, 1 việc chậm ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án, 3 trường hợp chậm cưỡng chế thi hành án, 1 việc chậm chi tiền thi hành án.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên như: Lãnh đạo Chi cục THADS huyện thiếu sự kiểm tra, đốn đốc, chỉ đạo toàn diện, thường xuyên đối với Chấp hành viên trong công tác thi hành án.

Một số chấp hành viên, công chức thi hành án còn thiếu tập trung, chưa nỗ lực cao trong quá trình giải quyết án, chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật về thi hành án; chưa nghiên cứu đầy đủ quy định của pháp luật có liên quan về công tác thi hành án dân sự để tham mưu tốt cho lãnh đạo;... một phần nguyên nhân do khối lượng công việc tăng, tính chất ngày càng phức tạp trong khi biên chế chưa tuyển đủ, tạo áp lực không nhỏ cho cơ quan thi hành án dân sự.

Nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm của chấp hành viên và đội ngũ cán bộ, công chức thi hành án dân sự; tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan có liên quan; giải quyết dứt điểm một số vụ việc có tính chất phức tạp, kéo dài… góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Ban Chỉ đạo THADS huyện yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện cần nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm trong công tác THADS theo nội dung của bản Kiến nghị của VKSND huyện.

Các Chấp hành viên phải dành thời gian nghiên cứu văn bản pháp luật hiện hành (không chỉ văn bản pháp luật về THADS mà còn phải chú ý nghiên cứu, cập nhật các văn bản pháp luật chuyên ngành khác, đặc biệt là những lĩnh vực thường xuyên áp dụng như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành).

Thận trọng và có tinh thần trách nhiệm trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như: xác minh điều kiện thi hành án; áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế và đề xuất ban hành các quyết định liên quan đến công tác THADS.

Đồng thời, Chấp hành viên cần thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, hướng dẫn, yêu cầu các công chức giúp việc cho mình (như chuyên viên, thư ký thi hành án…) thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình giúp việc cho Chấp hành viên, đảm bảo quá trình tổ chức thi hành án tuân thủ pháp luật; hồ sơ thi hành án phản ánh đúng, chặt chẽ quá trình tổ chức thi hành án. Chủ động đề xuất những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật trong quá trình tác nghiệp để cấp trên tổng hợp, đóng góp ý kiến hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác THADS.

Thời hạn khắc phục các vi phạm trước ngày 31/10/2023 và báo cáo kết quả khắc phục cho Trưởng Ban Chỉ đạo THADS huyện.

Đặng Dũng - Thanh Phong