Cảnh báo nhiều thủ đoạn giả danh công an
Cập nhật lúc 18:36, Thứ tư, 07/05/2014 (GMT+7)
Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh miền Đông (nhất là khu vực Đồng Nai) xuất hiện nhiều hoạt động tội phạm bằng thủ đoạn giả danh công an. Nhiều nạn nhân sau khi mất tài sản mới cay đắng đến cơ quan công an trình báo. (giả danh, lừa đảo, công an)
Thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh miền Đông (nhất là khu vực Đồng Nai) xuất hiện nhiều hoạt động tội phạm bằng thủ đoạn giả danh công an. Nhiều nạn nhân sau khi mất tài sản mới cay đắng đến cơ quan công an trình báo.
Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4/2014, nhiều nạn nhân đến Công an Đồng Nai trình báo bị 2 đối tượng giả danh công an xã kiểm tra phương tiện người đi đường rồi chiếm đoạt xe máy. Thấy đây là vụ án không những gây ảnh hưởng đến thanh danh lực lượng công an mà còn gây hoang mang dư luận, Công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc một cách quyết liệt.
Qua điều tra truy xét, công an đã bắt khẩn cấp 2 đối tượng Trần Thanh Sang và Nguyễn Tiến Đạt, đều sinh năm 1993 và cùng ngụ tại xã Bình Lộc, TX.Long Khánh, Đồng Nai. Bước đầu, 2 đối tượng khai nhận đã mua một số áo quần và công cụ hỗ trợ của lực lượng công an xã, sau đó đến các đoạn đường vắng người trên quốc lộ 51 chặn xe kiểm tra người đi đường để chiếm đoạt tài sản, 2 đối tượng đã gây ra 4 vụ chiếm đoạt 4 xe máy trị giá trên 80 triệu đồng. Sau khi chiếm đoạt xe máy, 2 đối tượng mang đi tiêu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh.
Cũng trong thời gian trên, Công an Tp.Biên Hoà cũng nhận được tin báo tố giác của nhiều bị hại nữ về một thanh niên sử dụng tài khoản trên mạng xã hội Zalo, tên Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, cán bộ Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai kết bạn, rủ đi chơi và chiếm đoạt tài sản. Ngày 5/3, Công an Tp.Biên Hoà đã tiến hành điều tra và bắt giữ đối tượng giả danh cảnh sát hình sự là Hoàng Đình Tuấn, 28 tuổi, thường trú tại thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá (tạm trú tại thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai do không có nghề nghiệp, muốn có tiền tiêu nên dùng điện thoại di động để đăng ký tài khoản trên mạng Zalo làm quen với các cô gái, rồi hẹn gặp mặt đi uống cà phê hoặc xem phim. Đến điểm hẹn, Tuấn lấy lý do xe mô tô đang bảo trì nên các cô gái giao xe và chìa khoá cho y điều khiển. Tuấn giữ chìa khoá và thẻ giữ xe, sau đó giả vờ đi vệ sinh rồi lấy xe tẩu thoát. Bằng thủ đoạn này, trong thời gian trên, Tuấn đã lừa đảo chiếm đoạt 5 xe mô tô của các bị hại trên địa bàn Đồng Nai. Tài sản chiếm đoạt được, Tuấn mang đến Tây Ninh bán với giá từ 4 đến 13 triệu đồng một chiếc.
Giả danh công an từng xảy ra tại TPHCM cũng khá tinh vi. Đối tượng lừa đảo thường chú ý vào những gia đình mới bị trộm cắp tài sản rồi tìm địa chỉ hoặc số điện thoại để tiếp cận gia đình nạn nhân. Đối tượng tự xưng là điều tra viên đang điều tra vụ án và gợi ý muốn nhận lại tài sản bị mất thì phải bồi dưỡng cho kẻ giả danh. Để tránh gặp mặt và xóa dấu vết, đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ATM mạo danh nào đó. Số tiền lừa đảo được đối tượng nghiên cứu khá kỹ vào giá trị tài sản bị mất của các gia chủ.
Riêng tại TP Đà Lạt, những năm trước đây cũng đã từng xảy ra việc đối tượng giả danh công an để lừa đảo tuyển sinh vào trường công an hoặc lừa đảo xin việc làm. Những đối tượng này đều đã bị cơ quan công an truy bắt.
Từ các vụ án trên cho thấy, tội phạm giả danh công an ngày càng tinh vi, táo tợn. Do vậy, người dân cần đề cao cảnh giác trước hành vi giả danh lực lượng công an. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn giả danh công an, người dân cần có biện pháp giữ chân và báo cho công an nơi gần nhất để lột trần chân tướng của bọn chúng trước khi thực hiện các hành vi tội phạm.
Theo Báo Lâm Đồng
.