Chỉ cần vài trăm ngàn đồng có thể mua được một tấm văn bằng, chứng chỉ các loại, nhằm đối phó với việc học hành, thi cử, phục vụ cho việc thăng tiến chức quyền. Chỉ vài triệu đồng có thể "biến" người bình thường trở thành người có công, bị nhiễm chất độc da cam... nhằm rút tiền chính sách của nhà nước.
 
Để ngăn chặn vấn nạn tiêu cực này, Công an tỉnh Gia Lai đã mở chuyên án đấu tranh và triệt phá những đường dây mua bán bằng cấp, giấy tờ giả với quy mô lớn trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố lớn trong cả nước...

Mua bằng giả như mua rau

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên "nóng" vấn đề mua bán bằng cấp, chứng chỉ, giấy tờ giả để hợp lý hóa hồ sơ cán bộ công chức, viên chức, làm chế độ chính sách. Bằng biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát Phòng An ninh Chính trị nội bộ (PA83) và An ninh Điều tra (PA92) Công an tỉnh Gia Lai đã phối hợp mở đợt điều tra, truy bắt các đối tượng mua bán bằng cấp, giấy tờ giả.

Như đã thỏa thuận từ trước, trong một cuộc hẹn bất ngờ tại quán cà phê Noel ở gần Trường Trung cấp Lâm nghiệp Gia Lai, các trinh sát đã tóm gọn 2 đối tượng Bùi Thị Mỹ Phương (26 tuổi) và Đinh Thanh Lam (29 tuổi) trú ở Chư Prông, Gia Lai, đang có hành vi mua bán văn bằng, chứng chỉ giả (chứng chỉ tiếng Anh trình độ C).

Mở rộng điều tra, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Gia Lai đã phối hợp cùng Cục A92-Bộ Công an, bắt quả tang Phạm Thị Hồng An (24 tuổi) ở Cầu Giấy, Hà Nội khi đang chuyển văn bằng, chứng chỉ giả cho khách hàng đặt mua thông qua đường bưu điện.

Từ lời khai của các đối tượng, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Gia Lai phối hợp cùng các cục nghiệp vụ Bộ Công an và Công an Hải Phòng tiến hành bắt giữ Lê Quang Lâm (28 tuổi) đang trú tại nhà người thân ở quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng. Mở rộng các mối quan hệ từ những "mắt xích" bán hàng, Công an Gia Lai đã bắt giữ Trịnh Văn Nam (25 tuổi, ở Từ Liêm, Hà Nội) và Lê Quang Phát (24 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi mua bán chứng chỉ giả.

 

 Các đối tượng mua bán hồ sơ giả về chế độ chính sách.
Các đối tượng mua bán hồ sơ giả về chế độ chính sách.


Qua khai thác các đối tượng mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả bị bắt giữ, Cơ quan An ninh Điều tra Công an Gia Lai xác định đối tượng chính chuyên cung cấp giấy tờ giả có vỏ bọc khá kỹ càng, là một công chức Phòng Nội vụ UBND huyện Đan Phượng, TP.Hà Nội. Sau khi xác minh làm rõ đối tượng, cơ quan Công an đã tóm gọn Hoàng Đức Huấn (30 tuổi), công chức Phòng Nội vụ UBND huyện Đan Phượng, thu giữ hàng ngàn phôi chứng chỉ giả...

Mở rộng điều tra, Công an Gia Lai đã khởi tố bắt giam các đối tượng Trịnh Văn Chung (27 tuổi) ở Hà Đông, Hà Nội; Nguyễn Quốc Hương (40 tuổi) ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và Võ Nguyễn Xuân Đan (44 tuổi), giáo viên tiểu học ở Tân Châu, An Giang, cùng đồng phạm trong đường dây mua bán chứng chỉ giả.

Từ năm 2015, Lê Quang Lâm ở Từ Liêm, Hà Nội lập facebook mang tên "làm chứng chỉ", quảng cáo nội dung nhận thi, cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ... nhằm để mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả. Khi có khách hàng, Lâm mua chứng chỉ giả từ Lê Quang Phát (còn tên gọi là Hưng) ở Thanh Xuân, Hà Nội với giá từ 250.000 đồng/giấy rồi bán 450.000 đồng/giấy. Lâm đã bán khá nhiều chứng chỉ giả cho các cá nhân ở TP.Hồ Chí Minh, Gia Lai, Cần Thơ, Cà Mau...

Từ đầu năm 2016, Lê Quang Lâm trực tiếp mua chứng chỉ giả của Trịnh Văn Nam ở Từ Liêm, Hà Nội bán kiếm lời. Các đối tượng ở Gia Lai, Đắk Lắk... mua chứng chỉ giả của Lâm cung cấp từ 400.000 đồng/giấy, bán lại từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng/giấy...

Trong đường dây mua bán bằng cấp, giấy tờ giả có Trịnh Xuân Chung ở Hà Đông, Hà Nội là đối tượng chuyên mua phôi bằng, chứng chỉ giả (có chữ ký và đóng dấu) từ Hoàng Đức Huấn ở Đan Phượng, Hà Nội rồi đem về tự in nội dung theo yêu cầu người mua để bán. Còn Hoàng Đức Huấn khai nhận từ năm 2014, lên mạng đặt mua phôi chứng chỉ giả các loại như tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ sư phạm... của một đối tượng tên Huyền ở Hà Nội với giá từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/giấy. Sau khi mua về, Huấn sắm máy in, cài đặt phần mềm để in và bán lại kiếm lời...

Đại tá Vũ Quang Khuyến- Trưởng Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đến nay Công an Gia Lai đã khởi tố 10 bị can trong đường dây mua bán bằng cấp, chứng chỉ giả về tội: "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Bước đầu Cơ quan An ninh điều tra đã thu giữ trên 22.000 phôi bằng,  chứng chỉ giả các loại, khoảng 2.000 tem 7 màu (sử dụng dán trên văn bằng, chứng chỉ), 3 máy in các loại... và một số phương tiện phục vụ việc sản xuất, mua bán chứng chỉ giả. Riêng địa bàn Gia Lai, cơ quan chức năng đã thu hồi 20 chứng chỉ giả của một số cán bộ công chức, viên chức... để xử lý theo quy định.

"Biến" người bình thường thành… người có công

Biết được nhiều đối tượng ở Tây Nguyên có nhu cầu làm hồ sơ giả để hưởng chính sách nên bắt đầu từ năm 2010, Nguyễn Văn Hùng (59 tuổi, ở xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) đến Gia Lai làm quen với một số người và được ông Đặng Văn Hương, Nguyễn Đình Chín cùng trú tại xã Ia Vêr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai giới thiệu với Nguyễn Xuân Hiến (65 tuổi, ở thị trấn Chư Sê, Chư Sê, Gia Lai) để hợp tác làm ăn.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa Hiến và Hùng đã nảy sinh việc trao đổi, bàn bạc mua bán tài liệu giả với các nội dung để chứng minh tham gia kháng chiến và tài liệu chứng minh bị ảnh hưởng chất độc hóa học để làm chế độ trợ cấp rút tiền nhà nước. Theo đó, mỗi khi có nhu cầu sử dụng tài liệu giả, Nguyễn Xuân Hiến liên lạc qua điện thoại với Hùng để cung cấp. Tùy theo từng loại tài liệu mà Hiến đưa ra yêu cầu cụ thể đối với Hùng về mặt hình thức, chất liệu cũng như nội dung của tài liệu.

Thời gian đầu, Hiến yêu cầu cung cấp tài liệu theo nội dung mà Hiến cần nhưng thời gian sau đó Hiến chỉ yêu cầu tài liệu có dấu đỏ, còn các thông tin, nội dung liên quan do Hiến tự viết. Đối với những tài liệu cần in trực tiếp tên người sử dụng trên tài liệu thì Hiến cung cấp thông tin cá nhân chi tiết để Hùng in trực tiếp.

 

 Tang vật của vụ án mua bán chứng chỉ, giấy tờ giả.
Tang vật của vụ án mua bán chứng chỉ, giấy tờ giả.


Từ mối thân quen này, Nguyễn Văn Hùng đã bán cho ông Hiến các loại tài liệu: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy chứng nhận bị thương; giấy chứng nhận có thời gian công tác XYZ; lý lịch quân nhân; bộ hồ sơ bệnh án; giấy chứng nhận tham gia Thanh niên xung phong... với giá từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tùy theo từng loại giấy tờ.

Theo khai nhận, Hùng đã trực tiếp gửi các loại giấy tờ bán cho Hiến qua bưu điện 23 lần, nhưng cụ thể số lượng, chủng loại tài liệu trong các lần gửi thì Hùng không nhớ. Từ năm 2010 đến tháng 5-2012, có 17 lần Hùng nhận tiền bán tài liệu giả do Nguyễn Xuân Hiến gửi qua Chi nhánh Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, với tổng số tiền: 25.000.000 đồng. Từ tháng 5-2012 đến năm 2014, Hùng trực tiếp làm thủ tục mở, quản lý và sử dụng tài khoản qua ngân hàng và Hiến đã 6 lần chuyển tiền cho Hùng qua tài khoản 13.700.000 đồng.

Theo Hùng, toàn bộ việc mua bán tài liệu giả được Hiến trao đổi trực tiếp với Hùng. Để có tài liệu bán cho Hiến, Hùng đã liên hệ với Nguyễn Đình Khoái thông báo lại những nội dung yêu cầu của Hiến để Khoái làm tài liệu. Khi có tài liệu thì Khoái giao cho Hùng để gửi cho Hiến. Việc Khoái lấy tài liệu này ở đâu và làm thế nào thì Hùng không biết. Mỗi lần bán tài liệu được số tiền khoảng 2.000.000 đồng thì Hùng được Khoái cho 500.000 đồng. Qua xác minh,  Nguyễn Đình Khoái đã chết năm 2014.

Bằng các thủ đoạn trên, Nguyễn Văn Hùng có 23 lần gửi tài liệu giả cho Nguyễn Xuân Hiến và được Hiến thanh toán số tiền 35.500.000 đồng. Ngoài ra, Nguyễn Văn Hùng thừa nhận còn bán tài liệu giả cho các cá nhân: Hoàng Ngọc Liên, Nguyễn Hà, Nguyễn Đình Chín, Phạm Bá Khôi trú tại xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; Nguyễn Tử Bột, trú tại thôn Mỹ Thạch 3, thị trấn Chư Sê (Gia Lai) với số tiền 14.600.000 đồng...

Nguyễn Xuân Hiến thừa nhận có quan hệ mua bán tài liệu giả từ năm 2010 đến 2013, nhằm cung cấp cho các đối tượng có nhu cầu làm chế độ trợ cấp. Tổng số tiền Hiến chuyển cho Hùng để mua tài liệu giả là 35.500.000 đồng rồi đem bán cho nhiều đối tượng ở Gia Lai.

 

 Các đối tượng mua bán chứng chỉ, giấy tờ giả.
Các đối tượng mua bán chứng chỉ, giấy tờ giả.


Nhờ giấy tờ giả của Hiến cung cấp mà Đoàn Văn Tiến (64 tuổi), cùng con trai Đoàn Văn Dũng ở Chư Sê, Gia Lai đã được hưởng trợ cấp tổng số tiền 132.131.000 đồng; Nguyễn Hữu Thắng (67 tuổi), trú tại thôn Bầu Zút (Chư Sê, Gia Lai) đã được hưởng số tiền trợ cấp 53.730.000 đồng; Đỗ Hữu Nhuận và con trai ở Chư Sê đã được hưởng tổng số tiền trợ cấp 217.299.000 đồng; Nguyễn Tiến Khải và con gái Nguyễn Thanh Thủy được hưởng tiền trợ cấp 116.727.000 đồng; Đào Duy Hưng và con trai Đào Văn Hải đã được hưởng trợ cấp 172.212.000 đồng; Phạm Vũ Dũng được hưởng trợ cấp114.046.000 đồng...

Có 18 cá nhân tại huyện Chư Sê và Chư Prông đã sử dụng tài liệu giả mua của Nguyễn Xuân Hiến và Nguyễn Văn Hùng để làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền 1.440.184.700 đồng.

Hiện các đối tượng Nguyễn Xuân Hiến, Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Văn Tiến và Nguyễn Hữu Thắng đã bị khởi tố về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức" và "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Riêng các đối tượng Đào Duy Hưng, Nguyễn Tiến Khải, Đỗ Hữu Nhuận, Phùng Văn Nguyệt, Bùi Văn Rụ, Phạm Vũ Dũng, Nguyễn Văn Đồn, Nguyễn Văn Trình, Lê Minh Đức, Phạm Ngọc Tập, Đỗ Hồng Tuy, trú tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đã sử dụng tài liệu giả do Nguyễn Xuân Hiến cung cấp để làm hồ sơ hưởng trợ cấp tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Sê đang được tiếp tục làm rõ.

Các đối tượng Nguyễn Đình Chín, Hoàng Ngọc Liên, Phạm Bá Khôi, Nguyễn Hà, trú tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã mua và sử dụng tài liệu giả của Nguyễn Văn Hùng để làm hồ sơ hưởng chế độ trợ cấp và đã được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chư Prông chi trả tiền trợ cấp hàng tháng cũng được Công an tỉnh Gia Lai chuyển giao hồ sơ cho Công an huyện Chư Prông xử lý theo thẩm quyền.

Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đang tiếp tục làm rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền trong việc xét duyệt hồ sơ chính sách ở Gia Lai để xử lý theo quy định và điều tra mở rộng các đối tượng liên quan khác.

 

Theo Công an nhân dân

.