|
|
Doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ hàng giả có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn |
Việc quy định chế định này đã giải quyết được một số vướng mắc trong thực tiễn hiện nay là chưa có chế tài phù hợp đối với các pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, từ đó, góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội có những bất cập nhất định, cụ thể như sau:
Tại Điều 9 BLHS về phân loại tội phạm quy định:
“1. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
a) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
b) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
c) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
d) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”.
Theo quy định của BLHS thì hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm 3 loại là phạt tiền (Điều 77), đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78) và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79).
Đối chiếu với các quy định tại Điều 9 nêu trên, nhận thấy: Nếu pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội thuộc khung hình phạt có mức cao nhất của khung đối với tội ấy là phạt tiền, tức là pháp nhân này đã phạm vào tội ít nghiêm trọng. Nếu pháp nhân thương mại thực hiện hành vi phạm tội thuộc khung hình phạt có mức cao nhất của khung đối với tội ấy là đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì không biết là thuộc loại tội phạm nào vì không được phân loại tại khoản 1 Điều 9 BLHS.
Nếu theo dẫn chiếu của khoản 2 Điều 9 BLHS thì hiểu thế nào là “quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này?”. Vì theo quy định tại Điều 76 BLHS thì điều luật này chỉ quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, cụ thể: “Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này”, không đề cập tới việc phân loại tội phạm. Trong khi đó, tại các điều luật được viện dẫn tại Điều 76 BLHS thì luôn có hai phần quy định riêng biệt là phần quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân và phần quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Từ đó, sẽ dẫn đến 2 cách hiểu khác nhau về thế nào là “quy định tương ứng”:
Cách hiểu thứ nhất: “quy định tương ứng” nghĩa là tương ứng giữa quy định về phân loại tội phạm tại khoản 1 Điều 9 với những quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong các điều luật được viện dẫn tại Điều 76 BLHS năm 2015. Hiểu theo cách này thì tội phạm do pháp nhân thực hiện chỉ được phân loại là tội phạm ít nghiêm trọng, còn các loại tội phạm khác không được phân loại tại Điều 9 như phân tích ở trên.
Cách hiểu thứ hai: “quy định tương ứng” nghĩa là tương ứng về căn cứ phân loại tội phạm được quy định đối với cá nhân và đối với pháp nhân quy định tại các điều luật được viện dẫn tại Điều 76 BLHS. Có nghĩa là, nếu pháp nhân và cá nhân thực hiện hành vi phạm tội có cùng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội thì sẽ được phân loại tội phạm giống nhau (cá nhân thực hiện hành vi phạm tội thuộc loại tội phạm nào thì pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội cũng thuộc loại tội phạm ấy, bất kể pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội thuộc trường hợp có thể bị phạt tiền hay bị phạt hình phạt khác).
Từ đó cho thấy, việc hiểu khái niệm “quy định tương ứng” theo cách hiểu thứ hai này có vẻ hợp lý hơn nhưng cũng đã bộc lộ bất cập nhất định. Một mặt, cách hiểu đó mâu thuẫn với khoản 1 Điều 9 BLHS về căn cứ phân loại tội phạm: Loại hình phạt và mức hình phạt đối với cá nhân và pháp nhân là khác nhau nhưng lại được phân loại giống nhau trong khi pháp luật không có quy định cụ thể. Mặt khác, trong trường hợp “pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra” hoặc “pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm” theo Điều 79 BLHS thì sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động. Nhưng trường hợp này chỉ quy định đối với pháp nhân, còn cá nhân không có quy định, có nghĩa là không có sự “tương ứng” trong quy định về căn cứ phân loại tội phạm giữa cá nhân và pháp nhân. Vậy, pháp nhân phạm tội trong trường hợp này sẽ được phân loại tội phạm như thế nào?
Từ những bất cập trong quy định của pháp luật về việc phân loại tội phạm sẽ dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hạn điều tra đối với pháp nhân thực hiện hành vi phạm tội vì chỉ khi phân loại được tội phạm thì mới xác định được chính xác thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 27, Điều 75 BLHS) và thời hạn điều tra (quy định tại Điều 172 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Trên cơ sở phân tích trên, chúng tôi nhận thấy, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp phân loại tội phạm đối với pháp nhân, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan tố tụng.
Nguyễn Thị Hằng